Mong muốn được phân bổ nguồn vốn nhiều hơn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN
(CLO) Người dân xã Kim Đồng, huyện Thạch An (Cao Bằng) mong muốn được phân bổ nguồn vốn nhiều hơn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Sau gần 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đi vào thực thi tại địa phương và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Bê tông hoá tuyến đường Khuổi tan – Bản đâư; sửa chữa tuyến kênh mương thuỷ lợi Nà Càng, Nặm Nà; đường điện các xóm Nặm Nà, Chu Lăng Bó Chàm được đầu tư mới… đã tạo động lực thúc đẩy góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn tại địa phương.

Khánh thành trạm y tế xã Kim Đồng
Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Kim Đồng, huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) để rõ hơn về hiệu quả của Chương trình.
+ Thưa ông, để đạt được những kết quả như trên, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình tại địa phương những năm qua?
- Ông Đoàn Phi Trường: Để triển khai thực hiện tốt Chương trình trên địa bàn cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân. Chủ động ban hành kịp thời các Nghị quyết, xây dựng Kế hoạch chi tiết, cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng đối với các mục tiêu nhiệm vụ và cần có sự kiểm tra giám sát thường xuyên trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.
+ Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xoá đói giảm nghèo, từ thực tiễn tại địa phương, đâu là điểm mấu chốt cần tập trung, thưa ông?
- Ông Đoàn Phi Trường: Với điều kiện thực tiễn của xã Kim Đồng, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xoá đói giảm nghèo, việc đầu tiên cần tập trung là ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ Nhân dân đi lại thuận tiện, từ đó mới có thể tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho Nhân dân góp phần thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của nhân dân trong vùng.

+ Một trong những tác động được xem là tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại địa phương. Ông có thể nói rõ hơn về những đổi thay tích cực này?
- Ông Đoàn Phi Trường: Chương trình được triển khai trên địa bàn xã đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã. Các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại thuận tiện, kênh mương thủy lợi được sửa chữa góp phần nâng cao năng suất cho người nông dân; đường điện được đầu tư... đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
+ Một trong những vướng mắc lớn cũng là hiện tượng đáng lo ngại mà nhiều địa phương cũng đang gặp phải là tư tưởng còn ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của người dân một số vùng, thậm chí còn có hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp. Theo ông, nguyên nhân của những tư tưởng này là do đâu? Địa phương đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào để thay đổi nhận thức của người dân?
- Ông Đoàn Phi Trường: Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn tồn tại ở một số ít hộ dân trên địa bàn, do nhận thức của bà con còn hạn chế, vẫn thực hiện theo một số phong tục, hủ tục xưa cũ.
Để xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó cán bộ đảng viên là người làm gương, tuyên truyền từ gia đình đến cộng đồng làng xóm, nhằm thay đổi cách tư duy, vận động bà con nhân dân chủ động tự lực cánh sinh bằng chính sức lao động của mình vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác lãnh đạo chỉ đạo, điều hành giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. thực hiện hướng dẫn trực tiếp, cầm tay chỉ việc cho nông dân làm quen với phương thức sản xuất mới.

Một góc xã Kim Đồng
+ Có ý kiến cho rằng sau 3 năm thực hiện, cần rà soát danh mục dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Từ thực tiễn triển khai Chương trình tại địa phương những năm qua, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Ông Đoàn Phi Trường: Các chương trình dự án đang được triển khai trên địa bàn đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tại địa phương không có những phản ánh liên quan đến vấn đề lựa chọn các danh mục dự án. Mong muốn rằng trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình nhiều hơn để có thể tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.
+ Xin cảm ơn ông!
Thành Vinh (Thực hiện)