Nhưng, Tết năm nay thật khác, bởi đường phố chẳng còn tấp nập như xưa, không khí dường như cũng trầm thêm mấy phần.
Mọi năm, cứ đến 15-20 tháng Chạp âm lịch là các sân bay, nhà ga, bến xe luôn chật cứng dòng người từ thành phố đổ về quê ăn Tết. Mệt mỏi vì bon chen, khệ nệ tay xách nách mang đủ các thứ nhưng ai cũng háo hức được trở về bên gia đình sau một quãng thời gian dài làm việc vất vả. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biển người ấy năm nay lại ảm đạm, đìu hiu đến lạ thường. Không còn cảnh từng tốp người tay bắt mặt mừng, trao nhau những cái ôm đầy thân tình dành cho Việt kiều về nước sau bao năm xa quê. Không còn người dân lao động chen chúc bắt xe ngay trong đêm để về nhà trước khoảnh khắc Giao thừa. Trong trung tâm, các khu mua sắm, địa điểm vui chơi cũng bớt náo nhiệt hơn mọi năm. Chợ hoa vốn là nơi nhộn nhịp nhất mỗi dịp Tết đến, nay cũng lại đượm một nét buồn vì dịch bệnh. Đào có, mai có, quất có, chỉ thiếu mỗi khách đến mua.
Tết năm nay thật khác, vì có nhiều gia đình đã vĩnh viễn chẳng thể đoàn viên.Tết năm nay thật khác, vì dịch bệnh, đường về nhà bỗng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Có những người không thể trở về do đang làm việc trong tâm dịch, có những người lựa chọn ở lại vì muốn giữ an toàn cho bản thân và gia đình.
Nhưng cũng là Tết của những cơ hội mới. Cứ tưởng bao lo toan và mệt mỏi của năm cũ sẽ qua đi, dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại khiến người dân gặp không ít khó khăn khi phải đón một cái Tết khác lạ. Thế nhưng, đây cũng chính là dịp hiếm hoi để chúng ta tìm lại những giá trị đã mất của Tết xưa và thử nghiệm những điều mới mẻ.
Không còn những chuyến du lịch đón Tết ở nước ngoài, không còn những chuyến du xuân trẩy hội đầu năm. Thay vào đó, chúng ta có cơ hội dành trọn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi này cho những người thân yêu nhất của mình. Lần cuối chúng ta hỏi thăm cha mẹ là khi nào? Lần cuối chúng ta ngồi chơi với con là bao giờ? Ở thời điểm này, gia đình sum vầy có lẽ là điều hạnh phúc nhất.
Không pháo hoa cũng chẳng sao. Ngồi trong chăn xem Táo quân, uống trà ăn mứt bên gia đình, chia sẻ khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới cùng người thân cũng đã ý nghĩa lắm rồi. Đâu cần phải chen lấn, xô đẩy trong đám đông mới cảm nhận được không khí rộn ràng Tết?
Giữ Tết, có phải chính là cùng nhau giữ cái nếp nhà, dù rằng có ai đó thích lang bạt kỳ hồ, thì trong lòng vẫn dành riêng một miền cho Tết.
Phong vị Tết hẳn nhiên vẫn hiện diện trong lòng từng người, theo cách riêng. Dù cho bây giờ cái gì cũng ê hề mà không đợi Tết nữa, nên niềm mong Tết để ăn một món rất riêng, để chơi, để ngắm, để mặc... những thứ chỉ có mùa này, đã lùi đi xa lắm. Nhưng không phải vì vậy mà ta nhìn Tết với lòng chán ngán. Cũng không phải vì vậy ta không giữ một cái Tết riêng trong lòng trẻ nhỏ, bằng những ước hẹn về nhà. Cái Tết đậu lại nơi xóm làng quê quán bằng tình cảm thật thà, của mớ xoài, mớ vú sữa, mớ cam nhà bên mới hái, để dành cho em bé thành thị. Những bước chân trần cùng anh em họ hàng trên đất, hẳn đã thấm vào da thịt vị quê hương, mà nếu không có tết, không biết làm sao có được.
Những dịp đoàn viên như vậy, ngồi bên nhau kể những câu chuyện Tết xưa thơ ấu. Những thứ đã mất thì mất rồi. Những thứ còn lại là cái tình, cái nhớ, cái lắng đọng với tuổi già đã bắt đầu chớm lên từng gương mặt những anh chị em ruột rà ngồi quây quần bên nhau. Dù sao chăng nữa, cũng nhờ Tết mà bỏ hết những lo toan, để ở bên mẹ già tóc bạc. Kỳ thực, Tết còn là dịp tìm về nguồn cội. Người ta qua năm tháng nào vẫn cần có cái gốc, để biết mình thuộc về đâu, và sống thế nào.
Người ta thường nói, mỗi khi năm mới cận kề, hương vị của nó bắt đầu lan tỏa từ rất sớm, và dư âm thì đọng lại rất lâu. Chỉ một luồng gió mang mưa phùn lất phất đọng trên đầu nụ hoa e ấp cũng đủ khiến người ta có cảm giác nặng lòng, chỉ một khoảnh khắc dừng lại trước tiếng loa phường phát ca khúc giao thừa là trái tim có thể dễ dàng lay động. Chỉ muốn thật nhanh hòa lẫn vào biển người mênh mông để tìm về gia đình ấm áp. Vì thế, nên Tết mang âm hưởng như tiếng gọi của sự trở về. Có ai chưa từng trải qua cảm giác mà bỗng dưng một khoảnh khắc nào đấy khi tết đến cận kề, người người thu xếp đồ lần lượt hồi hương, chỉ muốn đứng bật dậy chạy về ngay bên những người thân yêu nhất, ăn bữa cơm gia đình hay đơn thuần chỉ là cùng dọn dẹp nhà cửa, trang trí đào quất? Chỉ muốn giữ chặt những người thân yêu ở lại bên cạnh mình trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, thưởng thức những ca khúc mừng xuân, để âm thầm cầu chúc cho nhau mãi an lành?
Bởi vì cảm giác trở về cũng đã gợi cho người ta sự bình yên…
Bởi vì cảm giác trở về chính là được quay về mái ấm cho ta dựa dẫm suốt đời…
Bởi vì cảm giác trở về cho chúng ta thôi bận tâm về quá nhiều mối lo khác trong cuộc sống, để chỉ chú tâm vào gia đình, để cho bản thân chúng ta thời gian nuôi dưỡng tâm hồn lớn lên…
(CLO) Tối 22/11, trong không khí chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu Di sản” chính thức khai mạc tại Nghệ An.
(CLO) Với chủ đề “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng?”, buổi tọa đàm do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa và nghệ sĩ.
(CLO) Hàng trăm tài liệu, cổ vật có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm, phản ánh sự hình thành và phát triển của nền văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc.
(CLO) Để tiếp tục nâng cao chất lượng, đưa Giải thưởng Sách Quốc gia xứng tầm với vị thế là một giải thưởng cấp quốc gia, đồng thời tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến gần hơn với bạn đọc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Điều lệ và Quy Giải thưởng mới với nhiều điểm mới. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức sáng nay ngày 22/11 tại Hà Nội.