(congluan.vn) - Ông Nguyễn Đình Hiệu (48 tuổi, trú tại xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương-Nghệ An) cho hay vừa nhận được công văn hỏa tốc của TAND tối cao về việc đề nghị Chi cục thi hành án huyện hoãn thi hành bản án tháo dỡ ngôi nhà của ông. Ông mừng rỡ nói: "May mắn cho ngôi nhà của vợ chồng tôi chưa bị thi hành án oan".
Ngôi nhà của ông Hiệu "may mắn" được hoãn thi hành án
Công văn hỏa tốc của TAND tối cao đề gửi Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Nghệ An, TAND huyện Đô Lương và các đương sự về việc "yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An ra quyết định hoãn thi hành Bản án dân sự phúc thẩm ngày 22/7 trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kí để có thời gian xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự".
Đương sự là ông Nguyễn Đình Hiệu còn đưa cho chúng tôi xem "Quyết định thi hành án theo yêu cầu" của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương, kí ngày 14/10, buộc vợ chồng ông phải tháo dỡ nhà, trả lại thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) năm 1995 cho vợ chồng ông Bùi Văn Tư. Phía sau hai "sự kiện" này là câu chuyện bi hài bắt đầu từ số phận một lô đất nhưng có hai bìa đỏ được cấp cùng một ngày.
Một thửa đất hai bìa đỏ
Theo điều tra của PV, ngày 14/1/1995 UBND huyện Đô Lương cấp bìa đỏ cho vợ chồng ông Hiệu mang thửa số 66, tờ bản đồ số 3 với diện tích 400m2 thuộc xóm Hiệp Hòa. Theo đó, năm 1995 vợ chồng ông Hiệu làm nhà ở. Từ đó đến năm 2011, gia đình ông sinh sống ổn định, không xảy tranh chấp với ai. Ông Hiệu cho biết: "Sau khi cưới vợ, gia đình không có đất ở nên làm đơn xin UBND xã Hòa Sơn cấp đất. Hồ sơ xin cấp đất đúng quy trình từ xóm lên xã và huyện. Hiện hồ sơ vẫn còn nguyên vẹn".
Mãi đến năm 2012 gia đình ông Hiệu bỗng nhiên bị vợ chồng ông Bùi Văn Tư (ở cách 30m, đã có đất ở ổn định) kêu kiện, đòi lại thửa đất với lí do "thửa đất này là do cha tôi khai hoang để lại". Ông Tư đưa ra một bìa đỏ cũng được UBND huyện cấp cùng ngày 14/1/1995, thửa đất 66, tờ bản đồ số 3. Vụ kiện khiến gia đình ông Hiệu và cả chính quyền xóm, xã bất ngờ và bức bối. Xóm và xã nhiều lần hòa giải vẫn không thành nên ông Tư khởi kiện.
Ngày 30/9/2013, TAND huyện Đô Lương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "tranh chấp đất đai". Nguyên đơn là ông Bùi Văn Tư và vợ bà Nguyễn Thị Phương (ông Tư đang đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, ủy quyền cho bà Phượng dự phiên tòa). Bị đơn là ông Nguyễn Đình Hiệu và vợ là bà Nguyễn Thị Xuân. Tại phiên tòa, ông Hiệu nêu dẫn chứng về thủ tục xin cấp đất đầy đủ, được chính quyền xóm, xã chấp thuận bằng văn bản. Từ năm 1995, khi được giao đất gia đình ông tuân thủ mọi quy định lệ phí mua đất, nộp thuế đất hàng năm. Trong khi đó, ông Tư không có thủ tục xin cấp đất, không nộp lệ phí mua đất và thuế đất hàng năm. 15 cán bộ xóm và người dân là nhân chứng tại phiên tòa đều xác nhận thực tế "năm 1995 xã chỉ cấp đất cho một mình gia đình ông Hiệu, không cấp cho ông Tư nên ông Tư đòi thửa đất này là sai". Đại diện Viện KSND không có chất vấn, tranh luận gì nhưng chủ tọa phiên tòa vẫn tuyên: "Buộc vợ chồng ông Nguyễn Đình Hiệu trả lại cho vợ chồng ông Bùi Văn Tư".
Ông Hiệu bức xúc: "Điều lạ là Hội đồng xét xử căn cứ vào bản đồ trích lục của xã để tuyên án trong khi phần sơ đồ về thửa đất số 66 bị chia làm hai thửa 66A và 66B với nhiều dấu vết tẩy xóa, ghi thêm". Riêng về lí do một thửa đất nhưng có hai bìa đỏ được chủ tọa phiên tòa giải thích "do sai sót trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".
Có dấu hiệu làm bìa giả, tòa vẫn tuyên y án
Sau phiên tòa, ngày 30/10/2013, Viện KSND tỉnh Nghệ An có "Quyết định kháng nghị bản án ngày 30/9/2013 của TAND huyện Đô Lương theo thủ tục phúc thẩm". Quyết định cho biết: "Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên vi phạm về thủ tục tố tụng. Trước khi khởi kiện vụ án, UBND xã hòa giải, ông Nguyễn Đình Hiệu phát biểu nội dung chứng minh về thửa đất ông đang sử dụng nhưng biên bản ghi lại không có chữ kí của ông Hiệu là không phù hợp với quy định "kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ kí của các bên tranh chấp". Xác định tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa chính xác: bản án xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng là chủ tịch UBND huyện là không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai mà cần xây dựng UBND huyện tham gia tố tụng. Bản án sơ thẩm thể hiện có đại diện Viện KSND huyện tham gia phiên tòa nhưng phần nhận thấy lại không thể hiện ý kiến của Kiểm sát viên là không phù hợp với hướng dẫn mẫu số 01 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Đại diện UBND huyện Đô Lương vắng mặt tại phiên tòa nhưng lại tuyên quyền kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp trên trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án là vi phạm Điều 245 BLTTDS. Về nội dung, bản án dân sự sơ thẩm nêu trên đã vi phạm luật dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Những vi phạm này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần áp dụng Điều 275, Điều 277 BLTTDS để hủy án sơ thẩm". Từ các vi phạm này, Viện KSND tỉnh Nghệ An quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND huyện Đô Lương theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án theo hướng đã phân tích trên.
Tiếp đó, ngày 27/12/2013 Công an huyện Đô Lương đã có văn bản trả lời đơn thư của gia đình ông Hiệu về việc tố cáo ông Tư làm giả bìa đỏ dẫn đến tranh chấp. Văn bản nêu rõ: "Công an huyện Đô Lương đã tiến hành ghi lời khai của nguyên chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cán bộ địa chính thủy lợi (thời kì cấp đất cho ông Hiệu); vợ ông Tư và một số công dân xóm Hiệp Hòa đồng thời tiến hành xác minh tại UBND xã Hòa Sơn, văn phòng quản lí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất huyện Đô Lương. Cụ thể, trước năm 1990 tại khu đất hiện gia đình ông Hiệu đang ở có ông Bùi Văn Chân (bố ông Tư) và một số người khác khai hoang sản xuất. Năm 1990, UBND xã Hòa Sơn có quyết định giao thửa đất này cho gia đình ông Hiệu. Ông Chân và một số người khác không sản xuất nữa mà giao lại cho ông Hiệu. Quyết định giao đất do ông Thái Doãn San- chủ tịch UBND xã Hòa Sơn ký, người trực tiếp giao là ông Nguyễn Cảnh Hạnh, cán bộ địa chính thủy lợi xã. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995 xác định đó là thửa đất số 66, thuộc tờ bản đồ số 3 có diện tích 400m2. Đến năm 2011, thửa đất trên không có tranh chấp với ai, gia đình ông Hiệu đã đóng thuế đầy đủ. Về phía ông Bùi Văn Tư, hiện tại trong số mục kê 1993 có thửa đất số 66B và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995 trong đó có thửa đất số 66. Tuy vậy, tại sơ đồ địa chính thu thập tại Sở Tài nguyên và Môi trường tại bản đồ số 3, khu vực xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn chỉ có thửa đất số 66 phù hợp với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ trước tới nay gia đình ông Tư không có đơn xin cấp đất ở, không có quyết định giao đất của UBND xã Hòa Sơn, không nộp thuế cho thửa đất số 66". Từ thực tế này Công an Đô Lương kết luận "việc ông Hiệu tố cáo ông Tư làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có căn cứ".
Mặc dù bản kháng nghị của Viện KSND tỉnh Nghệ An và kết luận điều tra của Công an huyện Đô Lương được ông Hiệu gửi cùng đơn kháng án tới TAND tỉnh nhưng ngày 22/7 TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm vụ án này vẫn tuyên y án sơ thẩm. Đặc biệt, tại phiên tòa đại diện Viện KSND, luật sư, gia đình ông Hiệu và 15 cán bộ xóm, xã là nhân chứng yêu cầu Tòa phúc thẩm hủy bỏ bản án sơ thẩm, điều tra lại chứng cứ vụ án để xét xử công minh nhưng đều không được chủ tọa phiên tòa chấp nhận. Cầm chặt công văn hỏa tốc của TAND tối cao trong hai bàn tay vẫn còn run, ông nói: "Sau 90 ngày tới, không biết số phận ngôi nhà của gia đình tôi sẽ được giải oan như thế nào?”.