Một tháng sau khi có 101 tuyến, bến xe Miền Đông mới vẫn chưa được ‘giải ế’
(CLO) Sản lượng khách bình quân/ngày đi ở bến xe Miền Đông mới một tháng qua chỉ đạt hơn 12 khách/chuyến xe, khách đến chưa đạt được 1 người/chuyến xe.
Khách đi 12 người/xe, khách đến chưa đến 1 người/xe
Ngày 11/10/2022, TP HCM dời thêm 79 tuyến với khoảng 1.600 xe từ bến xe (BX) Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang hoạt động BX Miền Đông mới (TP Thủ Đức), nâng tổng tuyến lên hơn 101 tuyến. Sự kiện này đem đến hy vọng sẽ “giải ế” cho bến xe được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, lớn nhất cả nước sau 2 năm hoạt động.

Sau 1 tháng có hơn 100 tuyến hoạt động, lượng khách đến bến xe Miền Đông mới vẫn chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Lê Giang.
Tuy nhiên sau nửa tháng, trung bình bến mới giảm gần 300 chuyến/ngày so với thời gian trước ở bến cũ, tập trung vào các tuyến đi cự ly gần như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng.
Và đến nay đã hơn một tháng, Sở GTVT, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Tổng công ty Samco) và các đơn vị chức năng đã có cái nhìn toàn diện về hoạt động của bến xe Miền Đông mới.
Theo báo cáo ngày 16/11 của Sở GTVT, hiện nay tổng số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đăng ký hoạt động tại BX Miền Đông mới là 57 tuyến đến 20 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, số tuyến trước khi di dời từ bến cũ là 74 tuyến, “hao hụt” sau khi di dời là 17 tuyến.
Từ 11/10 đến 9/11, bình quân mỗi ngày có 2.603 khách đi-đến BX Miền Đông mới trên 386 chuyến xe. Trong đó, lượng khách xuất bến là 2.418 khách/193 chuyến xe - đạt 12,5 khách/chuyến xe; khách trên xe về bến chỉ có 185 khách/193 chuyến xe - chưa đến 1 khách/chuyến xe.
Trong khi đó, theo mục tiêu khi BX Miền Đông mới hoạt động sẽ phục vụ hơn 7 triệu hành khách/năm, mỗi ngày có khoảng 21.000 hành khách/1.200 chuyến xe, 52.000 hành khách/1.800 chuyến xe trong cao điểm lễ, tết.
Sở GTVT đánh giá, sản lượng hành khách tại BX Miền Đông mới vẫn chưa đạt như kỳ vọng, sau giai đoạn di dời ngày 11/10, một số đơn vị vận tải giảm chuyến hoặc ngưng khai thác do ít khách.
Về nguyên nhân, Sở đánh giá do thói quen đi lại của khách chưa thay đổi nhiều, vẫn muốn lên xe tại bến cũ hoặc khu vực trung tâm; Việc trung chuyển, xe buýt vận chuyển hành khách từ bến cũ sang bến mới chưa hiệu quả; Hạ tầng giao thông chưa thuận lợi cho hành khách lẫn phương tiện ra bến mới.
“Căn bệnh” xe dù tái phát kìm hãm BX Miền Đông mới
Nguyên nhân lớn nhất khiến BX Miền Đông mới không đáp ứng kỳ vọng nằm ở tình trạng “xe dù, bến cóc” nhiều năm qua ở TP HCM. Đặc biệt sau di dời giai đoạn 2, lượng xe khách bỏ bến, ra ngoài hoạt động càng bùng phát nhiều hơn.

Vẫn còn hàng loạt xe dừng đón khách trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) mỗi đêm. Ảnh: Lê Giang.
Theo anh Đặng Thành Lâm (ngụ quận 5), từ khi các tuyến dời ra BX Miền Đông mới thì việc di chuyển từ các quận quanh trung tâm hay các huyện xa hơn như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... càng thêm nhiều khó khăn vì đường rất xa, ít xe buýt, mất nhiều thời gian.
“Trước đây tôi đi Vũng Tàu thì chỉ cần ra bến cũ, mua vé lên xe đi mất chỉ khoảng 2 tiếng là tới. Nay dời ra bến mới, phải mất thêm gần 1 tiếng di chuyển ra bến trong khi xe buýt chạy lâu, đi xe ôm hay taxi thì tiền cũng bằng vé đi Vũng Tàu, tốn kém gấp đôi”, anh Lâm phân tích.
Do vậy, anh Lâm cùng nhiều người khác có nhu cầu đi các tuyến gần như Vũng Tàu, Phan Thiết… luôn có tâm lý chọn các xe “xuất bến” tại khu vực quận 5, quận 1, dọc xa lộ Hà Nội hay cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. “Thừa biết đó là xe dù nhưng sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền đi xe ôm nên tiện hơn”, anh Lâm thừa nhận.
Trong 76 địa điểm ở TP HCM đón trả khách không đúng quy định - thường gọi là “bến cóc” thì quận 5 và TP Thủ Đức được xem là “trung tâm bến cóc” của nhiều nhà xe với 25 điểm ở quận 5 và 22 điểm ở TP Thủ Đức.

Chân cầu vượt trước Khu du lịch Suối Tiên - nơi chỉ cách bến xe Miền Đông mới hơn 2km trở thành nơi đón trả khách tấp nập thời gian qua. Ảnh: Lê Giang.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và lập biên bản 1.764 trường hợp vi phạm, xử phạt tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Tại quận 5, các đơn vị thuộc quận đã xử phạt 1.585 trường hợp gần 1,1 tỷ đồng. Riêng Đội CSGT Quận 5 xử lý 425 trường hợp xe khách dừng đỗ sai quy định.
Thanh tra Sở GTVT thừa nhận, trong tuần tra, xử Iý vi phạm khi phát hiện dừng, đỗ xe không đúng quy định để đón trả khách, các tài xế thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái, khi thấy lực lượng chức năng thì tăng ga bỏ chạy.
Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT không có chức năng “truy đuổi” phương tiện vi phạm. “Đã có nhiều trường hợp lái xe thấy lực lượng Thanh tra Sở thì tăng ga bỏ chạy, va quẹt vào các xe máy gây tai nạn giao thông”; Các doanh nghiệp còn bỏ tiền thuê người “cảnh giới” lực lượng chức năng để dễ bề hoạt động “xe dù, bến cóc”.
Sở GTVT cũng nhận định, hiện tại chưa có biện pháp chế tài mạnh mẽ như đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép vận tải đối với các đơn vị vi phạm, tái phạm nhiều lần.
Để hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”, Sở GTVT tiếp tục đề nghị các sở ngành, chính quyền địa phương liên quan tăng cường tuần tra, xử lý việc dừng đổ, đón trả khách sai quy địa trên địa bàn quản lý.
Trong đó, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đang khẩn trương thống nhất phương án tổ chức vành đai hạn chế xe giường nằm trên địa bàn thành phố, trình UBND TP tháng tháng 11 và triển khai thực hiện vào tháng 12/2022.