Mùa du lịch cao điểm: Đừng để du khách kẹt xe rồi… quay lưng
(CLO) Mỗi kỳ nghỉ lễ, du lịch Việt Nam lại bùng nổ lượt khách trong và ngoài nước, mang theo đó là những áp lực ngày càng lớn lên hệ thống giao thông. Nếu không chủ động tháo gỡ, "nút thắt cổ chai" về hạ tầng sẽ trở thành điểm nghẽn kìm hãm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói.
Từ dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đến kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 đang tới gần, các trung tâm du lịch trên cả nước như Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Lạt, Phú Quốc… đều dự báo lượng khách tăng mạnh. Mỗi ngày, hàng chục nghìn phương tiện đổ về các khu nghỉ dưỡng, bãi biển, danh thắng khiến tình trạng tắc nghẽn trở thành “đặc sản” mùa cao điểm.

Không ít du khách chia sẻ, quãng đường 3 giờ đi bị kéo dài thành 6 giờ vì kẹt xe kéo dài ở các trạm thu phí, nút giao và lối vào điểm tham quan. Cảnh tượng xe nối đuôi nhau hàng cây số trên các tuyến quốc lộ, cầu phà hay thậm chí trong phố cổ không còn xa lạ. Không chỉ làm giảm chất lượng trải nghiệm của khách du lịch, mà còn gây tổn thất về chi phí, thời gian và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh địa phương.
Thay vì chỉ "chữa cháy" vào phút chót bằng cách xả trạm BOT, phân luồng thủ công, nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu tư duy lại cách tổ chức hạ tầng giao thông theo hướng tổng thể và bền vững.
Tại Quảng Ninh, địa phương này đã tăng tốc đầu tư các tuyến đường bao biển, mở rộng các trục vào Vịnh Hạ Long và phát triển hệ thống xe điện công cộng phục vụ du khách. Nhờ đó, mùa lễ hội Yên Tử hay dịp hè, lượng khách tăng vọt nhưng tình trạng kẹt xe được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.
Ở Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đang nâng cấp tuyến tránh quốc lộ 20 vào trung tâm Đà Lạt và quy hoạch các bãi đỗ xe vệ tinh, xe buýt trung chuyển để giảm áp lực phương tiện cá nhân lên trung tâm thành phố vốn đã quá tải vào dịp lễ.
Còn tại miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào tuyến đường du lịch ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đồng thời phát triển tuyến đường thủy phục vụ khách tham quan đảo Lý Sơn – một hướng đi ít bị ảnh hưởng bởi ùn tắc đường bộ.
Một số địa phương đã bắt đầu áp dụng công nghệ trong quản lý hạ tầng và điều tiết giao thông du lịch. Ứng dụng định vị xe buýt, cập nhật thời gian thực tình trạng tắc đường, gợi ý tuyến đường ít kẹt xe… đang dần phổ biến tại các thành phố như Huế, Đà Nẵng, TP HCM.
Tại Phú Quốc, mô hình “giao thông thông minh phục vụ du lịch” đang được thí điểm với việc tích hợp dữ liệu từ camera giám sát, bản đồ số, hệ thống đỗ xe tự động… giúp khách du lịch dễ dàng tra cứu, lên kế hoạch di chuyển hợp lý hơn, tránh “sa lầy” vào các điểm nóng giao thông.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư cho giao thông phục vụ du lịch cần tầm nhìn dài hạn, không thể "giật gấu vá vai". Hạ tầng phải đi trước một bước, kết nối đa phương thức từ đường bộ, đường sắt, hàng không đến đường thủy. Các tuyến giao thông cần được thiết kế đồng bộ với quy hoạch khu du lịch, điểm dừng chân, bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ.
Trong bối cảnh du lịch nội địa đang phục hồi mạnh mẽ và lượng khách quốc tế dự báo tiếp tục tăng, việc khơi thông hạ tầng giao thông trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Bộ để xây dựng chiến lược chung về phát triển hạ tầng gắn với quy hoạch du lịch quốc gia.
Khách du lịch ngày nay không chỉ tìm kiếm cảnh đẹp, mà còn đòi hỏi sự thuận tiện, an toàn trong hành trình. Giao thông trơn tru không chỉ là phương tiện vận chuyển, mà còn là cầu nối dẫn đến sự hài lòng và quay trở lại của du khách.
"Khơi thông" hạ tầng giao thông vì thế không chỉ là giải pháp mùa vụ, mà là nền móng để ngành du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chất lượng và bền vững.
Ngọc Trường