Mùa hè tới gần, liệu miền Bắc có cắt điện luân phiên như năm ngoái?
(NB&CL) Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện và sẽ cố gắng đảm bảo đủ điện trong những năm tiếp theo.
Miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng bắt đầu bước vào mùa hè, thời tiết bắt đầu chuyển dần sang nắng nóng. Nhu cầu sử dụng điện bắt đầu tăng dần, một số ý kiến bắt đầu lo ngại việc thiếu điện giống như năm ngoái.
Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại việc thiếu điện ở miền Bắc
Vào mùa hè năm ngoái, thiếu điện ở miền Bắc trong 2 tháng (tháng 5 và tháng 6) đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống - kinh tế - xã hội. Tác động nghiêm trọng tới quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), việc thiếu điện ở miền Bắc, dẫn đến các đợt cắt điện luân phiên vào tháng 5 và tháng 6 đã khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính tổn thất 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Cũng theo khảo sát của WB, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chịu tổn thất về doanh thu do mất điện lên tới 10%. Đặc biệt, việc thiếu điện vào năm ngoái còn để lại rất nhiều hệ lụy cho tới hiện tại.
Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp FDI diễn ra mới đây, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều bày tỏ quan điểm lo ngại việc thiếu điện có thể tiếp diễn vào năm nay, trong bối cảnh cao điểm nắng nóng đang tới rất gần.
Ông Hong Sun - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết, vào mùa hè năm ngoái, nhiều địa phương miền Bắc, như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,... xảy ra tình trạng bị cắt điện luân phiên. Kể cả các khu công nghiệp cũng tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1 - 2 lần/tuần.
Theo ông Hong Sun, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
Vì vậy, ông Hong Sun đề nghị Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Tương tự, ông Joseph Uddo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đánh giá, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, trong đó các “ông lớn” của Mỹ cũng rất quan tâm đầu tư tại đây. Tuy nhiên, nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng, và nguồn cung cấp điện bền vững, các mục tiêu thu hút đầu tư FDI có thể không đạt được.
Ông Joseph Uddo cho rằng, một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng.
Vì vậy, đại diện Amcham khuyến khích tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng.
Tiêu thụ điện tăng chóng mặt ngay từ đầu hè năm 2024
Theo dự báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), năm 2024, nắng nóng gay gắt đi kèm khô hạn sẽ kéo dài đến hết tháng 7 và sau đó chuyển sang mùa mưa bão từ tháng 8.
Tuy nhiên, theo thống kê của A0 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày. Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày, tăng 11% so với đầu năm. Dự báo cao điểm những tháng mùa hè, lượng điện tiêu thụ toàn quốc sẽ đạt tới hơn 1 tỷ kWh/ngày.
Đáng chú ý, khu vực miền Bắc được dự báo sẽ đối mặt với tình hình thiếu điện trong các tháng mùa khô - lượng điện tiêu thụ tăng rất mạnh từ đầu năm. Lượng điện sử dụng đã tăng hơn 12 triệu kWh/ngày, đạt mức 343,6 triệu kWh/ngày từ đầu tháng 4 đến nay.
Để đối phó với nguy cơ thiếu điện, từ đầu năm, A0 đã giữ mực nước ở tất cả các hồ thuỷ điện lớn ở miền Bắc. Dự kiến các hồ sẽ đầy vào ngày mai với sản lượng ước tính 4 tỷ kWh điện. Đây là nguồn dự phòng quan trọng cho hệ thống điện các tháng cao điểm 5, 6, 7.
Theo A0, dự kiến công suất từ tháng 4 đến tháng 7, sản lượng dùng điện sẽ có thể tăng cao nhất tới 17%, gây sức ép rất lớn với ngành điện và miền Bắc.
Năm 2024 sẽ không thiếu điện
Trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2024, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương dự báo, so với năm ngoái, nhu cầu sử dụng điện mùa hè năm nay sẽ tiếp tục tăng.
Vì vậy, ngay từ cuối năm 2023, Bộ Công Thương có Quyết định 3110, phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024.
Đồng thời, Bộ đã có Quyết định 3376, phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 với phương án là phụ tải tăng 9,6% để dự phòng cho vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa hè.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, để đảm bảo cung ứng điện trong mùa hè năm nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng và quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Bộ Công Thương cố gắng hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện để giải tỏa nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là than và khí.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng đảm bảo vận hành hệ thống.
Bộ tiếp tục điều tiết hợp lý các nhà máy thuỷ điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô, tăng cường công tác rà soát các đường dây truyền tải 500kV, 200kV, kiểm tra khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin thêm, trong tháng 2, tháng 3 vừa qua, các đơn vị Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn làm việc với các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối, qua đó, rà soát đảm bảo tình hình cung ứng điện cả năm, đặc biệt là mùa khô năm 2024.
Thông tin thêm về vấn đề lo ngại thiếu điện trong năm nay, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tình trạng tiết giảm phụ tải điện trong tháng 6/2023 ở một số địa phương là sự cố đáng tiếc.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành, cùng với EVN đảm bảo vận hành cung ứng điện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Với riêng kế hoạch từ tháng 4 đến tháng 7, trên cơ sở đó rà soát hàng tháng, hàng quý và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời.
“Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và các đơn vị liên quan đề ra nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Chúng tôi tin tưởng và khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện và sẽ cố gắng đảm bảo đủ điện trong những năm tiếp theo” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Việt Vũ