Mùa thu và tình yêu đôi lứa
(NB&CL) Tòa soạn nhận được bài Mùa thu và tình yêu đôi lứa của nhà phê bình văn học Châu Hoài Giang viết về bài thơ Tản mạn thu của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Tản mạn thu
Em giấu Thu trong phòng
Đường chỉ trùm oi nóng
Em ngẫm nghiền con chữ
Tạo mùa thu riêng mình?!
Muốn vần thơ tung tẩy
Bay trên miền núi cao
Bừng sắc hoa triền cúc
Vào ngày đông gió gào!
Vẫn nhớ bài em tặng
Trên thềm cỏ Tháp Rùa
Hai ta say trò chuyện
Quên cả tiếng chuông chùa!...
Quá vãng rồi chăng em?
Liễu đâu còn tha thướt
Nước hồ như cạn vơi
Chim bỗng ngừng tiếng hót?!
Em dồn vào trang viết
Hoàn thiện tập TÂN THU
Với bao điều tưởng tượng
Kinh dị và mộng mơ…
Lầm lẫn giữa thực - hư
Thế của người sáng tạo
Với điều CÓ và KHÔNG
Trong tình yêu tiếp nối
Em trốn Đời bằng thơ
Viết trong phòng, cửa đóng
Ngăn sao mùa thu đến
Cúc nở tươi trước thềm?!
Tháng 9/2023
Nguyễn Hồng Vinh

Đây là bài thơ dùng mùa thu để thể hiện tâm trạng của hai bạn trẻ từng đến với nhau rồi yêu nhau qua tình yêu thi ca. Nhưng qua trải nghiệm cuộc sống chứa đựng cả niềm vui và nỗi buồn đắng đót, họ nảy sinh những cách nhìn nhận, đánh giá hầu như trái ngược nhau về thi ca, về tình yêu đôi lứa con người nên dẫn đến mâu thuẫn không dễ tháo gỡ một sớm một chiều.
Với chàng trai, điều ấy là sự hụt hẫng, chán chường, tha thẩn dạo bộ Hồ Gươm, cảm thấy “Liễu đâu còn tha thướt/ Nước hồ như cạn vơi/ Chim bỗng ngừng tiếng hót”. Còn “em” trong bài thơ muốn “giải thoát” sự khác biệt và trở ngại trên chặng hành trình tiếp theo của tình yêu bằng cách “trốn Đời bằng thơ/ Viết trong phòng, cửa đóng”, để có tập thơ mang tên “TÂN THƠ” qua cách nhìn đời, nhìn cây lá, đất trời… với sự tưởng tượng “kinh dị và mộng mơ”. “Em” coi đó là sự “vượt thoát” để tạo ra một mùa thu hoàn toàn mới mẻ, khác những người đã viết về mùa thu trước đó. Nói cách khác, “em” không hợp với “anh” đang giữ “cách nhìn xưa cũ” khi viết những câu thơ đơn điệu về rặng liễu bên hồ; về cầu Thê Húc; và cả về bài thơ “em” viết tặng “anh” – thời điểm đánh dấu mối tình đầu bên bãi cỏ Tháp Rùa cổ kính!...
Sự trục trặc bất ngờ trong tình yêu làm cho “anh” ngỡ ngàng, đi từ giả thuyết này đến giả thuyết khác. Nhưng qua “tín hiệu” từ “em”, “anh” hiểu “em” đang muốn chối bỏ tình cảm vốn có bằng cách trốn cuộc gặp nhau giữa thu để “nghiền ngẫm con chữ” nhằm “tạo mùa thu riêng mình”. Em “nuôi hoài bão” có phần ảo vọng: “Muốn vần thơ tung tẩy/ Bay trên miền núi cao/ Bừng sắc hoa triền cúc/ Vào mùa đông gió gào!”.
Nghĩa là “em” muốn thay đổi cả quy luật thiên nhiên, mà xưa nay có nhà thơ đã sáng tạo câu thơ độc đáo đặc tả mùa thu nao lòng, được nhiều người cho là đặc sắc “Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em”. Nhưng “em” ở đây muốn hoa cúc phải nở “vào mùa đông gió gào”, thì thơ mới có thể “bay trên miền núi cao”. Và để có mùa thu đặc biệt của riêng mình, em đã dùng những hình ảnh “kinh dị và mộng mơ” để gây sự chú ý của người đọc!?
Đến đây, ta có thể hiểu nguồn cội của sự xa nhau giữa hai bạn trẻ này bắt nguồn từ cách tiếp cận nghệ thuật thi ca. Ai cũng biết, văn học cho phép người sáng tạo sử dụng phương cách hư cấu, dùng tưởng tượng bằng “hình tượng hóa”, “điển hình hóa”, “nhân cách hóa”, nhưng nếu thoát ly hẳn hiện thực cuộc sống, thì thi ca trở nên vô nghĩa. Văn nghệ sĩ với sứ mệnh cao cả là thông qua muôn vàn hiện tượng, tìm ra bản chất đời sống và phát hiện cái mới của thực tiễn, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ. Trong bối cảnh bài thơ, ta càng hiểu “em” đang ngoảnh lưng với hiện thực cuộc sống, đặc biệt với mối tình hiện hữu, thì trên thực chất, đó là sự trốn tránh câu hỏi của thực tiễn lứa đôi đặt ra: “Điều có và không” trong chặng đường tiếp nối hành trình của tình yêu đôi lứa.
Nguyễn Hồng Vinh đã khéo léo khép lại sự éo le nan giải này bằng đoạn thơ nhẹ nhàng, nhưng hợp quy luật: “Em trốn đời bằng thơ/ Viết trong phòng, cửa đóng/ Ngăn sao mùa thu đến/ Cúc nở tươi trước thềm?!”. Dù em có thành công ra tập thơ mới chăng nữa, nhưng cuộc sống riêng sẽ đi vào ngõ cụt, mà chính mình dựng bức tường thành! “Em” đã biến cái “tôi” trữ tình thành cái “tôi” ích kỷ! Do vậy, “em” không thể tìm được sự giải thoát bế tắc khi sử dụng nghệ thuật thi ca đối lập với thực trạng tình yêu hiện hữu!
Mùa thu cứ đến với vàng tươi hoa cúc theo quy luật đất trời, dù “em” khăng khăng phủ nhận quy luật vận động của tình yêu và thiên nhiên qua tập thơ “TÂN THU”. Theo tôi, giá trị bài thơ này là sự cảnh tỉnh những bạn trẻ đang bước vào yêu đương nồng cháy và giàu khát khao sáng tạo, nhưng không tìm được hướng đi phù hợp quy luật của trái tim và quy luật của đời sống!