Mượn “bùa” nạo vét bến khách ngang sông, doanh nghiệp đua nhau rút ruột sông Hồng
(NB&CL) Dựa vào việc UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản đồng ý nạo vét bến khách ngang sông Hồng trên địa bàn các xã Bình Minh, Tân Châu (huyện Khoái Châu), các doanh nghiệp đã coi đó như một thứ “lá bùa” bảo vệ cho họ, sau đó tiến hành khai thác cát trái phép, hoạt động như “cát tặc” suốt thời gian dài.
Trên địa bàn huyện Khoái Châu, UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý cho tiến hành nạo vét bến khách ngang sông Hồng tại xã Bình Minh và xã Tân Châu nhằm mục đích đảm bảo cho tàu, thuyền phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Theo người dân phản ánh, UBND các xã đã ủy quyền cho các doanh nghiệp thực hiện nạo vét các bến khách ngang sông này, tuy nhiên đó chỉ là bề nổi. Thực tế, các doanh nghiệp này không công khai dự án; số tàu đăng ký mập mờ, hoạt động khai thác cát diễn ra suốt ngày đêm. Có thời điểm số lượng tàu khai thác cát đến 5-7 chiếc lớn nhỏ hoạt động như một đại công trường. Cát đen thì được lấy đi, rác thải thì lại được lọc và đổ trực tiếp xuống sông Hồng.

Doanh nghiệp lấy đi cát đen và rác thải được trả lại sông Hồng.
Để ghi nhận sự việc, vào thời điểm cuối tháng 3/2019, chúng tôi có mặt tại khu vực bến khách ngang sông Hồng (bến đò) thuộc địa phận thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh. Tại đây, xuất hiện 4 chiếc tàu lạ không rõ số hiệu, không gắn biển báo đang tiến hành khai thác cát, trên mỗi tàu hút có khoảng 3-4 người đang làm việc. Cát được hút qua một chiếc sàng để lọc rác và sau đó rác thải được đổ lại xuống sông Hồng. Sau khi đã “ăn” đầy hàng, những chiếc tàu di chuyển sang phía đối diện bến đò Bình Minh là một số bãi cát tại khu vực xã Tự Nhiên của huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) để đưa lên bãi chứa. Nhiều tàu cát di chuyển theo dọc tuyến sông Hồng xuôi xuống khu vực TP. Hưng Yên.
Theo tìm hiểu, ngày 28/12/2018, UBND xã Bình Minh đã ký hợp đồng kinh tế số 02/2018/HĐ-KT với Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Quang Nam (do ông Trần Ngọc Tú làm Tổng Giám đốc) để doanh nghiệp này đứng ra thực hiện nạo vét khu vực bến khách ngang sông (thôn Thiết Trụ). Việc nạo vét này của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý qua văn bản số 210/UBND-KT2 ngày 28/01/2019. Theo đó, doanh nghiệp được phép tiến hành nạo vét từ ngày 01/02/2019 đến 31/05/2019.
Còn tại khu vực bến khách ngang sông thuộc xã Tân Châu, hoạt động nạo vét mà thực chất là khai thác cát diễn ra cũng rầm rộ không kém. Tại thời điểm phóng viên ghi hình, có 4 tàu hút cát sức chứa gần 200m3/tàu đang làm việc. Cũng tương tự như tại khu vực bến đò xã Bình Minh, các con tàu ở đây cũng hút lấy đi cát đen và trả lại sông Hồng rác thải qua những chiếc sàng lọc rác bằng sắt.
Theo chúng tôi được biết, UBND xã Tân Châu đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Minh Phương để tiến hành nạo vét khu vực bến đò Tân Châu. Ngày 28/01/2019, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 211/UBND-KT2 về việc xác nhận đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Tân Châu để xác nhận: vị trí, tọa độ khu vực thi công nạo vét; tổng khối lượng cát thu hồi, công suất hút (m3/tháng); thiết bị sử dụng nạo vét; thời gian thi công và địa điểm cát thu hồi. Thời gian cho phép nạo vét tại khu vực bến đò xã Tân Châu từ ngày 1/2/2019 đến hết ngày 31/5/2019.
Trong những văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên về việc xác nhận đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại hai xã Tân Châu và Bình Minh cho thấy các doanh nghiệp chỉ đăng ký có 3 tàu hút hoạt động nạo vét. Các con tàu được gắn logo: Tân Châu I – II – III và Bình Minh I – II – III, không đăng ký số hiệu, công suất thấp nhất 80m3/ngày. Việc đăng ký tàu hút này chỉ có lô gô mà không có số hiệu thể hiện sự mập mờ của doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp chỉ cần gắn logo để hoạt động thì họ vẫn rất dễ dàng trong việc sử dụng tàu với công suất khai thác lớn hơn để vơ vét khoáng sản.
Quá trình thực hiện những dự án nạo vét trên rất cần sự công khai, minh bạch để người dân cùng giám sát. Tuy nhiên, những hoạt động nạo vét mà thực chất là mượn “bùa” để khai thác cát một cách bừa bãi, không tuân thủ quy định của UBND tỉnh Hưng Yên đã diễn ra suốt nhiều tháng. Khi chúng tôi tiếp cận với người dân địa phương thì bà con cho biết họ không hề nắm được bất kỳ thông tin gì về dự án, về doanh nghiệp, thời gian thực hiện dự án...
Ghi nhận qua nhiều ngày, chúng tôi không hề thấy bóng dáng nào từ các cơ quan có thẩm quyền (chính quyền các xã Bình Minh, Tân Châu, huyện Khoái Châu) hay từ lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy – Công an tỉnh Hưng Yên để phát hiện sai phạm của doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần