Mỹ chi 7 triệu USD mỗi năm để bảo trì du thuyền bị tịch thu của tỷ phú Nga
(CLO) Chính phủ Mỹ đang chi hơn 7 triệu USD mỗi năm để bảo trì chiếc siêu du thuyền mà họ tịch thu từ một doanh nhân Nga đang bị trừng phạt. Hiện Washington đang tìm cách bán nó vì cho rằng quá sức chi trả, đài RT đưa tin hôm 15/2.
Du thuyền có tên 'Amadea' được cho là thuộc sở hữu của tỷ phú người Nga Suleiman Kerimov. Nó đã bị tịch thu ở đảo quốc Thái Bình Dương Fiji vào tháng 4/2022 theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ dựa trên các lệnh trừng phạt được áp đặt sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo chính quyền Mỹ, con tàu dài 348 foot (106 mét), có sân đỗ trực thăng, bể bơi, hố đốt lửa và rạp chiếu phim, khiến Mỹ phải trả 600.000 USD/tháng, hơn 7 triệu USD/năm để bảo trì.

Siêu du thuyền Amadea tại Monaco Yacht Show năm 2019. Ảnh: Bloomberg
Theo hồ sơ của tòa án, tính riêng chi phí của thủy thủ đoàn đã lên tới khoảng 360.000 USD mỗi tháng, trong khi chi phí bảo trì chiếc thuyền sang trọng cũng cần 75.000 USD nhiên liệu và 165.000 USD để bảo trì, loại bỏ chất thải, thực phẩm và các chi phí khác.
Mỹ hiện đang yêu cầu thẩm phán cho phép bán đấu giá siêu du thuyền trị giá 300 triệu USD vì hóa đơn bảo trì trung bình hàng tháng đã “quá mức cho phép".
Dẫu vậy, nỗ lực bán 'Amadea' đang bị thách thức bởi doanh nhân người Nga Eduard Khudainatov, người tuyên bố rằng ông mới là chủ sở hữu thực sự của du thuyền nêu trên.
Trong khi Washington xác định tỷ phú Kerimov là chủ sở hữu và tuyên bố ông đã vi phạm lệnh trừng phạt khi thanh toán thông qua hệ thống tài chính Mỹ. Ông Khudainatov, người từng giữ chức chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Rosneft từ năm 2010 đến năm 2013, vẫn khẳng định rằng mình là chủ sở hữu thực sự của Amadea, đồng thời nhấn mạnh chiếc du thuyền không thể bị tịch thu vì ông chưa bị Mỹ trừng phạt.
Các công tố viên Mỹ cáo buộc trong hồ sơ tòa án trước đó rằng ông Khudainatov đóng vai trò là “chủ rơm” của Amadea để ngụy trang vai trò của Kerimov.
Đại diện pháp lý của ông Khudainatov cho biết trong một tuyên bố rằng việc tịch thu du thuyền là “bất hợp pháp” và kêu gọi thẩm phán không cho phép điều đó xảy ra cho đến khi xác định được “liệu việc tịch thu có vi hiến hay không”.
Lê Na (Theo RT)