Mỹ cho vay 553 triệu USD để xây dựng bến cảng nước sâu ở Sri Lanka

09/11/2023 17:23

(CLO) Bến cảng container vận chuyển tại Cảng Colombo được xem như lời tuyên bố về việc Mỹ cạnh tranh Trung Quốc trong tài trợ phát triển quốc tế.

Các quan chức cho biết, Hoa Kỳ sẽ cho vay hơn 550 triệu USD để xây dựng một cảng container nước sâu ở Sri Lanka. Dự án được coi là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

my cho vay 553 trieu usd de xay dung ben cang nuoc sau o sri lanka hinh 1

Địa điểm được đề xuất cho dự án xây dựng một cầu cảng container tại Cảng Colombo, Sri Lanka. (Nguồn: Eranga Jayawardena/AP)

Sri Lanka nằm trên tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, nối liền Trung Đông và Đông Á, khiến tài sản hàng hải của nước này có tầm quan trọng chiến lược.

Cảng quốc tế Tây Colombo mới sẽ dài 1,4km, sâu 20m và có công suất hàng năm là 3,2 triệu container.

Bến cảng đang được xây dựng bởi một tập đoàn do Tập đoàn Adani của Ấn Độ đứng đầu - tập đoàn này hồi đầu năm nay đã phủ nhận cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu của một công ty bán khống có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Cầu cảng này có chi phí ước tính khoảng 700 triệu USD và nằm ngay cạnh một cầu cảng tương tự do Trung Quốc điều hành tại cảng rộng lớn của thủ đô.

Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) do chính phủ Hoa Kỳ điều hành cho biết họ đang cung cấp 553 triệu USD tài trợ cho dự án do Tập đoàn Adani điều hành.

Tập đoàn cho biết dự án được tài trợ bằng các khoản vay tư nhân, và được coi là nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho quốc đảo Nam Á này với tiềm năng “biến Colombo thành một trung tâm hậu cần đẳng cấp thế giới tại giao điểm của các tuyến đường vận chuyển chính và các thị trường mới nổi”.

Giám đốc DFC Scott Nathan cho biết tại Colombo hôm qua (8/11) rằng: “Sri Lanka là một trong những trung tâm trung chuyển quan trọng của thế giới, với một nửa số tàu container đi qua vùng biển của nước này”.

Khoản tài trợ do Mỹ hậu thuẫn đến đúng vào thời điểm Sri Lanka đang vật lộn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế nghiêm trọng.

DFC được thành lập cách đây 5 năm để đáp trả chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu quy mô lớn của Trung Quốc, được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường. Thông qua đó, Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD mỗi năm để xây dựng đường bộ, đường sắt, bến cảng và sân bay, điển hình là ở các quốc gia đang phát triển, nhằm thúc đẩy thương mại.

Hồng Vân (Theo Al Jazeera)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mỹ cho vay 553 triệu USD để xây dựng bến cảng nước sâu ở Sri Lanka
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO