Mỹ công bố gói viện trợ 60 triệu đô cho kinh tế và an ninh biển Philippines
(CLO) Mỹ viện trợ 60 triệu USD giúp Philippines phát triển kinh tế, an ninh biển, củng cố liên minh 7 thập kỷ bền chặt.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vừa công bố khoản viện trợ mới trị giá 60 triệu USD nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và tăng cường an ninh hàng hải cho Philippines.
.png)
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Manila và Washington thống nhất mở rộng hợp tác, đồng thời củng cố mối quan hệ liên minh hiệp ước đã kéo dài hơn 70 năm giữa hai quốc gia.
Khoản tài trợ được Ngoại trưởng Rubio công bố trong một tuyên bố vào thứ Tư, chỉ hai ngày sau khi ông gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington. Chuyến thăm này diễn ra trùng với thời điểm Tổng thống Marcos hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Động thái này được công bố ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế mới 19% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Philippines.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Marcos tại Nhà Trắng vào thứ Ba, tức thứ Tư theo giờ Manila. Hiện tại, cả Manila và Washington vẫn chưa tiết lộ chi tiết về bất kỳ thỏa thuận thương mại nào liên quan.
Mức thuế mới áp dụng cho hàng hóa Philippines thấp hơn một chút so với mức 20% mà Tổng thống Trump từng đề xuất trong tháng này.
Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức 17% được thiết lập hồi tháng 4, khi ông Trump công bố chính sách thuế suất trả đũa áp dụng cho nhiều đối tác thương mại, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ công bố khoản viện trợ nước ngoài mới cho bất kỳ quốc gia nào kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu xem xét và điều chỉnh chính sách viện trợ vào tháng 1".
Tuyên bố này thể hiện cam kết của Washington trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.
Khoản viện trợ trị giá khoảng 3 tỷ peso theo tiền tệ địa phương sẽ được sử dụng để hỗ trợ các chương trình phát triển năng lượng, an ninh hàng hải và tăng trưởng kinh tế của Philippines, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cũng theo Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Rubio dự kiến đề xuất Quốc hội Mỹ phê duyệt việc phân bổ 825 triệu peso, tương đương 15 triệu USD, từ khoản viện trợ này.
Số tiền được dùng để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân tại Hành lang Kinh tế Luzon, một khu vực tăng trưởng do Mỹ định hướng tại châu Á.
Dự án này hướng đến việc gia tăng thương mại và thiết lập một trung tâm kinh tế ở miền bắc Philippines thông qua các dự án cơ sở hạ tầng lớn và những sáng kiến quan trọng khác.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm: "Nếu được thông qua, khoản kinh phí này sẽ hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực như giao thông, logistics, năng lượng và chất bán dẫn. Điều đó sẽ góp phần tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Philippines".
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump vào ngày 22/7, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Tại đây, hai quan chức cấp cao của chính quyền Trump tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ trong việc duy trì liên minh với Philippines, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế với Manila.
Cả Philippines và Mỹ đều bày tỏ quan ngại chung về những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Mỹ nhiều lần khẳng định sẽ hỗ trợ Philippines trong trường hợp lực lượng, tàu hoặc máy bay của nước này bị tấn công tại bất kỳ đâu ở Biển Đông, dựa trên hiệp ước phòng thủ chung ký kết năm 1951.
Ngoài ra, Washington đã thiết lập một liên minh ba bên với Nhật Bản và Philippines nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và đầu tư.
Liên minh này được kỳ vọng sẽ giúp hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại đểu đối mặt với các thách thức tương tự trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm thiểu rủi ro nếu tranh chấp ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế.
Mỹ cũng đang hỗ trợ Philippines tăng cường khả năng phòng thủ lãnh thổ thông qua các cuộc tập trận quân sự chung và tuần tra phối hợp ở Biển Tây Philippines.
Bên cạnh đó, Washington còn chia sẻ thông tin tình báo và cung cấp thiết bị quốc phòng, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Marcos mở rộng quan hệ an ninh với các quốc gia có chung quan điểm quân sự.