Mỹ nguy cơ 'ném đá chân mình' khi cố đàn áp Huawei

Thứ tư, 17/06/2020 15:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mỹ quyết tâm gây tổn hại cho Huawei vì Huawei là doanh nghiệp đầu ngành trên thế giới về viễn thông 5G tương lai, đồng thời cũng là biểu tượng của sự thăng tiến công nghệ và kinh tế của Trung Quốc.

Sự kiện: Huawei

Lí do Mỹ quyết 'diệt' Huawei

Mỹ quyết tâm gây tổn hại cho Huawei, không chỉ bởi vì một số chính trị gia của Mỹ lo ngại thiết bị kết nối mạng của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này cho phép các nhân viên tình báo tại Bắc Kinh nghe lén các cuộc đối thoại của khách hàng.

Mà còn là vì Huawei là doanh nghiệp đầu ngành trên thế giới về viễn thông 5G tương lai, đồng thời cũng là biểu tượng của sự thăng tiến công nghệ và kinh tế của Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump không thích công ty Trung Quốc này chút nào. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã từng cảnh báo rằng nước Mỹ có nguy cơ “đánh mất sự thống trị” công nghệ vào tay Trung Quốc nếu Washington không thể “làm suy yếu động lực của Huawei” đối với sự thống trị 5G.

Nỗ lực trước đó của Mỹ nhằm làm suy yếu Huawei là ban hành lệnh cấm bán các linh kiện sản xuất tại Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc, kể cả các chip máy tính tiên tiến mà Huawei rất cần. Nhưng nỗ lực này đã không phải là một đòn chí mạng như Nhà Trắng kỳ vọng.

Bên trong phòng nghiên cứu của TSMC. Ảnh: Economist

Bên trong phòng nghiên cứu của TSMC. Ảnh: Economist

Các công ty chế tạo chip vẫn có thể tiếp tục vận chuyển cho Huawei các sản phẩm bán dẫn từ các nhà máy bên ngoài nước Mỹ. Vì thế nên đến ngày 15/5, chính quyền Trump đã mở rộng các quy định hạn chế bán hàng cho Huawei từ sản phẩm chip sang cả các công cụ thường được sử dụng để sản xuất chip, nhiều công cụ này có xuất xứ từ Mỹ.

Chừng nào các nhà sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu như Công ty Sản xuất Sản phẩm Bán dẫn Đài Loan (TSMC) còn sử dụng thiết bị sản xuất bởi Mỹ, thì họ sẽ không còn được phép sản xuất các chip theo thiết kế của Huawei dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Trong cuộc họp báo hôm 18/5, Huawei vốn khá kín tiếng đã nói rằng quy định mới của Mỹ đặt sự tồn vong của họ vào tình thế nguy hiểm.

Ba ngày sau phát biểu của Huawei, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cho đến năm 2025 sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD để gia tăng sự độc lập về công nghệ cho Trung Quốc.

Nhưng cũng giống như những cấm cản ban đầu của Mỹ, cú bộc phát mới nhất trong cuộc chiến về chip giữa Trung-Mỹ có thể sẽ không kết thúc với hiệu quả như Mỹ mong muốn.

Chơi 'bẩn' trong phòng 'sạch'

Quy định mới của Mỹ có thể không đạt được toàn bộ mục tiêu đề ra. Huawei thuê các đơn vị sản xuất theo hợp đồng lắp ráp điện thoại và các trạm cơ sở của Huawei.

Các chip mà TSMC sản xuất cho Huawei được chuyển tới các nhà sản xuất này để tích hợp, chứ không chuyển trực tiếp tới Huawei. Các sản phẩm hoàn thiện thường được chuyển thẳng tới các khách hàng của Huawei.

Trong toàn bộ quá trình đó, Huawei không cần phải động tay vào các mặt hàng chip đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen. Điều này có thể giúp Huawei thoát được trách nhiệm.

Một số luật sư lưu ý rằng hạn chế mới dường như không áp dụng đối với các mặt hàng được chuyển cho các bên thứ ba và không được gửi cho Huawei, ngay cả khi những mặt hàng đó được cung ứng theo chỉ đạo của Huawei.

Dù cho nhận định của các chuyên gia pháp lý là sai, thì quy định mới cũng sẽ khó thực thi: các phòng khử trùng của các nhà máy sản xuất chip Châu Á rất khó để giám sát.

Quan trọng hơn nữa, ngành bán dẫn trị giá 412 tỷ USD đã toàn cầu hóa đến mức mà ngay cả cánh tay nối dài của luật pháp Mỹ cũng sẽ khó mà kiểm soát được nó.

Mỹ tìm mọi cách 'diệt Huawei. Ảnh: RTTNews

Mỹ tìm mọi cách 'diệt Huawei. Ảnh: RTTNews

Hệ quả khả dĩ của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có thể buộc một phần ngành sản xuất chip của Mỹ phải rời khỏi nước này. Theo thời gian, phạm vi địa lý của ngành công nghệ chip đã trải rộng hơn ra thế giới, và phạm vi ở Mỹ thu hẹp lại.

Một tiêu chuẩn so sánh đơn giản về phạm vi địa lý của ngành công nghệ chip là sẽ truy dấu các tài sản vật chất của ngành đặt ở đâu, được ghi lại trong tài liệu của các doanh nghiệp công nghệ đại chúng.

Chẳng hạn, 12 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới bây giờ chỉ đặt 20% số nhà máy của họ tại Mỹ. Các công ty Châu Á, chẳng hạn như TSMC, SMIC và Samsung, phần lớn đặt nhà máy của họ tại nước chủ nhà.

Trong khi đó, trong những năm qua, các công ty chế tạo chip và nhiều nhà cung cấp của Mỹ đã và đang đa dạng hóa phạm vi địa lý hoạt động, một phần vì chạy theo nhân công rẻ, một phần vì phòng tránh các thảm họa tự nhiên, theo ông Dan Hutcheson của VLSI, một công ty tư vấn.

Theo thời gian, phạm vi địa lý của ngành công nghệ chip đã trải rộng hơn ra thế giới, và phạm vi ở Mỹ thu hẹp lại.

Ảnh: Economist. Số liệu: Bloomberg

Ảnh: Economist. Số liệu: Bloomberg

Như trường hợp Intel sản xuất chip tự thiết kế để bán cho các khách hàng chuyên lắp ráp các thiết bị điện tử (trong đó có Huawei). Năm 2019, nhà sản xuất chip khổng lồ này của Mỹ đã có 35% tài sản vật chất ở nước ngoài trong tổng số 55 tỷ USD, một con số tính toán gần đúng về năng lực sản xuất.

Một số tài sản trị giá 8 tỷ USD đặt tại Israel và một số khác trị giá 4 tỷ USD đặt tại Ireland. Những người trong nội bộ ngành báo cáo rằng các chuyến hàng chuyển chip cho Trung Quốc từ Israel và Ireland đã tăng lên kể từ khi sự trút giận vào Huawei của Mỹ bắt đầu.

Intel cũng có hơn 5 tỷ USD tài sản tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của công ty này. Tổng cộng, 20 tỷ USD trong tổng doanh thu 72 tỷ USD của Intel năm ngoái là đến từ Trung Quốc.

Một ví dụ khác là Analog Devices, một công ty nhỏ hơn của Mỹ chuyên sản xuất chip tần số vô tuyến điện mà Huawei rất cần để lắp ráp các trạm cơ sở viễn thông. Analog Devices cũng mở rộng sản xuất ra khắp nơi: một nửa tài sản của công ty này đặt tại Philippines, Ireland, Singapore và Malaysia.

Có lẽ việc mở rộng sản xuất đó có thể giúp công ty này thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thông tin để đưa ra quyết định về phương án sản xuất chip cho Huawei tại các cơ sở không đặt ở Mỹ.

Sự phức tạp về địa lý đã khiến cho chính phủ Mỹ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn Huawei tiếp cận các bộ chip từ các công ty chế tạo chip. Đó là lý do giải thích tại sao quy định mới của Mỹ lại tập trung vào các bộ công cụ sản xuất chip, nhiều công cụ này vẫn được làm tại Mỹ và vì thế sẽ dễ dàng hơn cho Washington kiểm soát.

Nguy cơ tự 'ném đá chân mình'

Applied Materials, công ty có trụ sở tại bang California chuyên làm bộ công cụ được sử dụng để khắc các mẫu lên silicon, đặt 90% tài sản của công ty tại Mỹ.

Lam Research là một nhà sản xuất Mỹ mà thiết bị của công ty này thường được TSMC và các công ty khác sử dụng để chế tạo các tấm silicon mỏng. Lam Research đặt 88% nguồn lực của nhà máy 1,1 tỷ USD tại Mỹ.

Một ẩn số lớn xoay quanh quy định mới về Huawei mà các luật sư của ngành sản xuất chip đang tích cực giải thích là không rõ liệu theo quy định này thì thiết bị được sản xuất tại các cơ sở đặt ở nước ngoài của các công ty Mỹ có bị tính là “sản phẩm Mỹ” hay không.

Nếu vẫn tính là sản phẩm Mỹ, thì các nhà máy sản xuất chip hiện đại phụ thuộc vào bộ công cụ như vậy để sản xuất các loại chip tối tân cho Huawei, chẳng hạn như TSMC, sẽ cần có các nhà cung cấp thay thế.

Các đối thủ Nhật Bản của các nhà sản xuất công cụ Mỹ, chẳng hạn như Tokyo Electron và Hitachi High-Technologies, đột nhiên nhận ra họ có lợi thế cạnh tranh mới về địa chính trị.

Một bí ẩn khác liên quan tới một thông báo đưa ra ngay khi các biện pháp mới của Mỹ chống lại Huawei được công bố. Vào ngày 15/5, TSMC đã xác nhận rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại bang Arizona, sẽ được hoàn thành và hoạt động vào năm 2024.

Nguy cơ Mỹ tự 'ném đá chân mình'. Ảnh: Nikkei

Nguy cơ Mỹ tự 'ném đá chân mình'. Ảnh: Nikkei

Tại sao công ty Đài Loan mà 15% doanh thu của họ đến từ Huawei lại đồng ý đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ ngay khi nước chủ nhà mới thực tế đã tước đoạt đi của họ một khách hàng lớn? TSMC có thể đang muốn làm hài lòng chính quyền Mỹ với hy vọng sẽ chặn được các chế tài chống lại nhiều khách hàng Trung Quốc hơn.

Các nhà quan sát chỉ ra một khả năng khác. TSMC có thể trang bị cho nhà máy tại Arizona thiết bị Mỹ lấy từ các nhà máy hiện tại của họ, qua đó giải phóng không gian các công xưởng tại Đài Loan cho các bộ công cụ hoàn toàn mới không phải của Mỹ để các xưởng này có thể tự do phục vụ các khách hàng Trung Quốc.

TSMC đã không phản hồi khi được yêu cầu bình luận. Thậm chí cho dù đó không phải là ý định của TSMC, thì các giải pháp thay thế chắc chắn sẽ phát triển rất nhanh. 

Vào ngày 18/5, ông chủ của Samsung Electronics đã đi tham quan nhà máy sản xuất chip mới của công ty này tại Tây An, thành phố miền trung Trung Quốc. Công ty Hàn Quốc này lên kế hoạch đầu tư 115 tỷ USD vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất chip trong một thập kỷ tới, đã nói rõ rằng họ sẽ không bỏ qua thị trường Trung Quốc.

Kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể thúc đẩy Samsung Electronics trang bị cho nhà máy của họ đầy đủ thiết bị mà sẽ không làm phá vỡ quan hệ địa chính trị Trung - Mỹ.

Những người trong ngành sản xuất chip báo cáo rằng thiết bị bán dẫn đang được bán bên trong Trung Quốc là “không bị chi phối bởi EAR (Export Administration Regulations)’’, có nghĩa là những người mua hàng Trung Quốc không cần phải lo lắng về “các quy định quản lý xuất khẩu” mà chính quyền Trump đang sử dụng để tấn công Huawei.

Một người thân cận với các nhà sản xuất công cụ Mỹ nói rằng vài nhà sản xuất trong số này đang tính đến việc chuyển các bằng sáng chế của họ ra nước ngoài để tái thiết các hoạt động kinh doanh hoàn toàn lại từ đầu, tránh xa khỏi quyền tài phán của Mỹ nhằm né tránh các hạn chế chống lại Trung Quốc ở hiện tại và trong tương lai.

Nỗ lực của ông Trump trong việc bào mòn sự phụ thuộc của ngành bán dẫn vào Trung Quốc, thay vào đó lại có thể làm cho ngành này ngày càng xa lánh Mỹ hơn.

Vân Trần

Tin khác

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế
Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

(CLO) Ghép tạng có thể cứu được mạng sống, nhưng cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc về tính cách, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tiêu điểm Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

(NB&CL) Thụy Sĩ và Ukraine đang mong đợi 80 - 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 và 17/6 tới. Nhưng giữa mong đợi và hiện thực luôn là khoảng cách, nhất là với một vấn đề nan giải như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế