Mỹ sắp 'cháy hàng' xe sang, máy chơi game và rượu whisky vì thuế quan
(CLO) Người tiêu dùng Mỹ không chỉ đối mặt với giá cả tăng vọt mà còn có thể chứng kiến cảnh tượng nhiều kệ hàng trống không tại các siêu thị và cửa hàng.
Lý do là vì hàng loạt công ty từ châu Âu đến châu Á đang rục rịch ngừng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ – từ xe hơi đến máy chơi game, sau khi ông Trump tuyên bố áp mức thuế mới lên hàng nhập khẩu từ khoảng 60 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính toán lại chi phí và cắt giảm lượng hàng xuất sang thị trường Mỹ. Một số mặt hàng vốn được ưa chuộng có thể sắp biến mất khỏi thị trường, hoặc khan hiếm nghiêm trọng.

Xe hơi, SUV
Audi đã tạm dừng toàn bộ lô hàng đến Mỹ sau ngày 2/4. Các đại lý được chỉ đạo tập trung bán nốt khoảng 37.000 xe còn tồn, đủ dùng trong khoảng hai tháng. Jaguar Land Rover cũng thông báo ngừng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 để điều chỉnh theo các điều khoản thương mại mới.
Nissan Nhật Bản thì dừng bán hai mẫu SUV Infiniti sản xuất tại Mexico. Trong khi đó, Mercedes-Benz đang cân nhắc rút hẳn các mẫu xe rẻ nhất khỏi thị trường Mỹ vì chi phí thuế mới khiến việc kinh doanh không còn khả thi.
Máy chơi game
Nintendo, ông lớn ngành game Nhật Bản, vừa hoãn vô thời hạn việc mở đơn đặt trước máy chơi game Switch 2, dự kiến ban đầu ra mắt vào ngày 9/4.
Hãng cho biết cần thời gian đánh giá tác động từ mức thuế nhập khẩu mới. Dù cam kết giữ nguyên lịch phát hành chính thức vào ngày 5/6, động thái hoãn đặt hàng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành công nghệ đang chịu sức ép nặng nề từ thuế quan.
Rượu whisky Nhật
Một mặt hàng khác có thể sớm biến mất khỏi kệ ở Mỹ là rượu whisky Nhật. Suntory Holdings – hãng sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Hibiki và Yamazaki – cho biết nếu mức thuế khiến giá bán tại Mỹ quá cao, họ sẽ chuyển hướng sang thị trường châu Á, nơi nhu cầu vẫn rất mạnh.
Chủ tịch Suntory, ông Nobuhiro Torii, khẳng định: "Nếu giá ở Mỹ không còn hấp dẫn, chúng tôi chỉ đơn giản đổi thị trường".
Lệnh áp thuế được ông Trump công bố vào ngày 2/4, được ông gọi là "Ngày giải phóng", nằm trong chiến lược thương mại "có đi có lại". Theo đó, Mỹ sẽ đánh thuế ít nhất 10% với hầu hết đối tác thương mại – và mức cao hơn với những quốc gia bị cho là có thặng dư thương mại với Mỹ.
Hệ quả đang bắt đầu lan rộng, và người tiêu dùng Mỹ có lẽ sẽ sớm cảm nhận rõ nhất – không phải qua các báo cáo kinh tế, mà là qua những kệ hàng trống trơn ngay trước mắt họ.