Mỹ tiết lộ kế hoạch 65 tỷ USD đối phó đại dịch tiếp theo

Chủ nhật, 05/09/2021 17:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chính quyền ông Biden hôm thứ Sáu (3/9) đã đưa ra một kế hoạch trị giá 65 tỷ đô la mà các quan chức Mỹ cho biết sẽ giúp quốc gia chống lại các mối đe dọa sinh học tiếp theo sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.

my tiet lo ke hoach 65 ty usd doi pho dai dich tiep theo hinh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Ông Eric Lander, cố vấn khoa học của Tổng thống Joe Biden và Giám đốc Văn phòng Khoa học và Công nghệ, cho biết đại dịch tiếp theo có thể sẽ "khác biệt đáng kể" so với Covid-19, và vì vậy chính phủ Mỹ phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để đối phó với bất kỳ mối đe dọa virus nào trong tương lai.

Kế hoạch này được công bố trong một tài liệu dài 27 trang và kêu gọi đầu tư hàng tỷ đô la trong thập kỷ tới để cải thiện vắc xin và phương pháp điều trị cũng như cơ sở hạ tầng y tế công cộng, nâng cao khả năng giám sát thời gian thực của quốc gia và nâng cấp thiết bị bảo vệ cá nhân có thể được sử dụng để chống lại nhiều loại mầm bệnh.

Các quan chức cho biết, kế hoạch này được chia thành năm “trụ cột”, mỗi “trụ cột” đề cập đến các bộ phận khác nhau của hệ thống y tế công cộng. Kế hoạch cũng đề xuất ngân sách từ 15 tỷ đô la đến 20 tỷ đô la để bắt đầu các nỗ lực của chính quyền. Khoản tiền này sẽ được chuyển đến một văn phòng mới tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nơi được Quốc hội giám sát chặt chẽ.

Ông Lander cho biết đại dịch Covid đang diễn ra đã phơi bày “những vấn đề cơ bản” đối với hệ thống y tế công cộng của Mỹ, bao gồm cả kinh phí không đủ và thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương.

Mỹ hiện vẫn đang phải vật lộn với đợt bùng phát Covid tồi tệ nhất trên thế giới, với hơn 39 triệu ca bệnh và ít nhất 643.776 ca tử vong tính đến thứ Sáu (3/9), theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp. Ông Lander nói, nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn đang phải sống chung với những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh này.

“Chúng tôi cần những khả năng ứng phó tốt hơn bởi vì có khả năng hợp lý là một đại dịch nghiêm trọng khác, có thể tồi tệ hơn Covid-19, sẽ sớm xảy ra, thậm chí có thể ngay trong thập kỷ tới", ông chia sẻ. 

Các quan chức Mỹ cho biết lời kêu gọi đầu tư 65 tỷ đô la của chính quyền là "khiêm tốn" khi đại dịch hiện nay đã khiến Mỹ thiệt hại 16 nghìn tỷ đô la. Họ nói rằng con số này cũng nhỏ hơn những gì quốc gia chi cho các chương trình khác, chẳng hạn như phòng thủ tên lửa và chống khủng bố.

“Nếu các đại dịch lớn tương tự như COVID-19, gây thiệt hại cho Mỹ khoảng 16 nghìn tỷ đô la, xảy ra với tần suất 20 năm một lần, thì tác động kinh tế hàng năm đối với Mỹ sẽ là 800 tỷ đô la mỗi năm. Ngay cả đối với những đại dịch nhẹ hơn một chút, chi phí hàng năm có thể sẽ vượt quá 500 tỷ đô la", các quan chức viết trong tài liệu.

Theo tài liệu, khoản đầu tư được đề xuất lớn nhất của chính quyền ông Biden là vào việc phát triển vắc xin. Mỹ sẽ chi tổng cộng 24,2 tỷ đô la để phát triển và thử nghiệm các loại vắc xin mới cho nhiều loại virus và cải tiến việc phân phối và sản xuất vắc xin.

Kế hoạch này cũng kêu gọi chi 11,8 tỷ đô la cho nghiên cứu phương pháp điều trị, điều sẽ cho phép các nhà khoa học và nhà sản xuất thuốc Mỹ phát triển thuốc kháng virus mới và các loại thuốc khác, đồng thời đảm bảo năng lực sản xuất quy mô lớn cho các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Khoảng 3,1 tỷ đô la đã được phân bổ để thúc đẩy sự phát triển của đồ bảo hộ thế hệ tiếp theo. Vào đỉnh điểm của đại dịch năm ngoái, các nhân viên y tế ở tuyến đầu đã phải vật lộn khi họ gặp phải tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ và găng tay.

Chính quyền ông Biden cho biết họ đang chuẩn bị bắt đầu phân phối rộng rãi các mũi tiêm nhắc lại kể từ ngày 20/9 trong khi chờ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép, sau khi dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại Covid đang suy yếu.

Hôm thứ Sáu (3/9), ông Biden cho biết vào tuần tới, ông sẽ thảo luận về "các bước tiếp theo" để chống lại biến thể Delta.

Trung Kiên

Bình Luận

Tin khác

Đã chọn đủ 12 thành viên bồi thẩm đoàn cho phiên tòa hình sự xét xử ông Trump

Đã chọn đủ 12 thành viên bồi thẩm đoàn cho phiên tòa hình sự xét xử ông Trump

(CLO) Phiên tòa hình sự lịch sử xét xử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm (18/4) đã chọn đủ 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Những người này sẽ đánh giá ông có tội hay vô tội trong vụ án "trả tiền bịt miệng" cho một ngôi sao khiêu dâm.

Thế giới 24h
Nhiều sự bất bình khi Mỹ ngăn Liên hợp quốc chính thức kết nạp Palestine

Nhiều sự bất bình khi Mỹ ngăn Liên hợp quốc chính thức kết nạp Palestine

(CLO) Mỹ hôm thứ Năm (18/4) đã ngăn Hội đồng Bảo an thông qua tư cách thành viên chính thức của Palestine tại Liên hợp quốc. Nhiều tiếng nói bất bình đã được đưa ra sau quyết định của Mỹ.

Thế giới 24h
UNICEF: Hơn 13.800 trẻ em thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel tấn công

UNICEF: Hơn 13.800 trẻ em thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel tấn công

(CLO) Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cho biết, hơn 13.800 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel phát động cuộc chiến toàn diện ở lãnh thổ này.

Thế giới 24h
Núi lửa phun trào dữ dội ở Indonesia, người dân sơ tán và sân bay đóng cửa

Núi lửa phun trào dữ dội ở Indonesia, người dân sơ tán và sân bay đóng cửa

(CLO) Indonesia đã đóng cửa một sân bay cấp tỉnh và sơ tán hàng trăm người sau khi núi lửa Ruang phun trào dữ dội dung nham, đá và tro bụi trong nhiều ngày.

Thế giới 24h
Đức bắt hai người gốc Nga bị cáo buộc âm mưu phá hoại quân sự

Đức bắt hai người gốc Nga bị cáo buộc âm mưu phá hoại quân sự

(CLO) Hai công dân Đức gốc Nga đã bị bắt ở Đức vì bị cáo buộc âm mưu tấn công phá hoại, bao gồm cả các cơ sở quân sự của Mỹ, nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, theo các công tố viên Đức cho biết vào thứ Năm.

Thế giới 24h