Mỹ và Nga thảo luận khôi phục nguồn cung khí đốt cho châu Âu
(CLO) Mỹ bất ngờ đàm phán với Nga về khôi phục khí đốt cho châu Âu, nơi từng cắt giảm nhập khẩu từ 40% xuống 19%.
Theo hãng tin Reuters, các đại diện của Mỹ và Nga đã tổ chức đàm phán nhằm thảo luận về việc Mỹ hỗ trợ khôi phục nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu. Kể từ khi Nga mở cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, châu Âu đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Điều này gây ra những tổn thất kinh tế đáng kể cho tập đoàn độc quyền khí đốt Gazprom của Nga. Trong bối cảnh đó, Mỹ nổi lên như một trong những nhà cung cấp chính khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu, dần thay thế nguồn cung từ Nga.

Dù vậy, một số quốc gia châu Âu như Hungary và Slovakia vẫn duy trì việc nhập khí đốt từ Nga thông qua đường ống TurkStream.
Các nguồn tin từ Reuters tiết lộ rằng nếu Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình trong tương lai, nhiều khách hàng châu Âu có thể quay lại sử dụng khí đốt của Nga.
Sự tham gia của Mỹ vào quá trình khôi phục nguồn cung này được cho là có thể giúp Moscow vượt qua rào cản chính trị tại phần lớn các nước châu Âu.
Đồng thời, điều này cũng mang lại lợi ích cho Washington khi cho phép Mỹ giám sát và thậm chí kiểm soát phần nào lượng khí đốt Nga trở lại thị trường châu Âu.
Để lấy lại thị phần tại châu Âu, Gazprom đang cân nhắc đề xuất các hợp đồng ngắn hạn kéo dài 24 tháng kèm ưu đãi giảm giá lớn cho khách hàng Đức.
Đây là một thay đổi đáng chú ý so với thông lệ trước đây khi tập đoàn này thường yêu cầu ký kết hợp đồng dài hạn kéo dài hàng thập kỷ.
EU kiên quyết từ chối khí đốt Nga
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, vấn đề khí đốt Nga đã trở thành một thách thức chiến lược đối với Liên minh châu Âu (EU).
Nhiên liệu từ Nga dần bị loại bỏ khỏi thị trường năng lượng châu Âu. Theo Bloomberg, sau khi xung đột nổ ra, các nước EU đã giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt từ Nga từ hơn 40% xuống còn khoảng 19% tổng lượng nhập khẩu.
Trong khi đó, họ tăng cường phụ thuộc vào LNG với khối lượng đạt mức cao kỷ lục. Các chuyên gia nhận định rằng việc từ chối khí đốt Nga sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả hay an ninh năng lượng của EU.
Ngày 7/4 vừa qua, EU đã công bố một "lộ trình" nhằm chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào cuối năm 2027.
Theo kế hoạch này, đến tháng 6, EU sẽ đưa ra đề xuất cấm ký kết các hợp đồng mới cũng như các thỏa thuận ngắn hạn với Nga trước khi năm nay kết thúc.
Cùng với đó, Ủy ban châu Âu khẳng định sẽ không xem xét khả năng nối lại việc mua nhiên liệu từ Nga sau khi xung đột kết thúc. Họ nhấn mạnh rằng điều này có thể trở thành "một sai lầm lịch sử" đối với châu Âu.