Mỹ và Panama ký thỏa thuận cho phép triển khai quân đội gần Kênh đào Panama
(CLO) Ngày 10/4, Mỹ và Panama đã ký kết một thỏa thuận an ninh cho phép quân đội Mỹ triển khai lực lượng tại các cơ sở do Panama kiểm soát dọc theo Kênh đào Panama.
Động thái này nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực chiến lược, trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và người đồng cấp Panama Frank Abrego, quân đội Mỹ sẽ được phép triển khai lực lượng tại các cơ sở do Panama kiểm soát, bao gồm các căn cứ từng được Mỹ xây dựng trong thời kỳ chiếm đóng vùng kênh đào. Mục đích của việc triển khai này là để tiến hành các hoạt động huấn luyện, diễn tập và hợp tác an ninh khác.
Tuy nhiên, thỏa thuận không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự thường trực tại Panama, điều mà Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã kiên quyết phản đối. Ông Mulino cảnh báo rằng việc cho phép Mỹ xây dựng căn cứ có thể gây ra bất ổn chính trị nghiêm trọng trong nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Kênh đào Panama, nơi xử lý khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ và 5% thương mại toàn cầu. Ông Trump cam kết sẽ "giành lại" quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này, vốn do Mỹ xây dựng và kiểm soát cho đến năm 1999.
Trước đó, chính quyền ông Trump đã gây áp lực buộc Panama phải chấm dứt hợp đồng với công ty Panama Ports Company, một công ty con của tập đoàn CK Hutchison có trụ sở tại Hồng Kông, đang vận hành các cảng ở hai đầu kênh đào. Dưới áp lực từ Washington, Panama đã cáo buộc công ty này vi phạm hợp đồng và yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Vào tháng 3/2025, chính quyền ông Trump đã yêu cầu quân đội Mỹ lên kế hoạch tăng cường hiện diện tại Panama, bao gồm cả phương án sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát kênh đào, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Thỏa thuận mới đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chính trị gia và chuyên gia tại Panama, những người cho rằng điều này vi phạm Hiệp ước Trung lập năm 1977 và Hiến pháp Panama, đồng thời làm suy yếu chủ quyền quốc gia.
Tổng thống Mulino đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump rằng Trung Quốc kiểm soát Cơ quan quản lý Kênh đào Panama (ACP), và khẳng định rằng kênh đào là tài sản quốc gia không thể đem ra đàm phán.
Cao Phong (theo CNA, Politico, CNN)