Năm 2013, với sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, khối lượng nợ xấu được xử lý đã đạt mức khá cao. Song, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu vẫn còn trong năm 2014, khi mà theo đúng các tiêu chí thì con số thực có thể là hơn 8% thay vì 4% như các ngân hàng thương mại tự báo cáo.
Nguồn: ITN
Theo con số Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng qua là gần 106 nghìn tỷ đồng. Đây có thể nói là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước, vì theo công bố giữa năm 2012 thì nợ xấu là 220 nghìn tỷ đồìng. Điểm quan trọng hơn là có vẻ như các ngân hàng thương mại đều có những phương án cụ thể để xử lý nợ xấu. Các ngân hàng thương mại đã chủ động trích lập rủi ro hoặc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Dự kiến hết năm nay, VAMC có thể mua được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Trước mắt, đã có 26 tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho công ty này.
Nợ xấu đã có hướng giải quyết, cả ở cấp độ vĩ mô và cấp độ ngân hàng. Song, có nhiều điểm cho thấy, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước hết, theo Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra - Giám sát của Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa, do ý thức chấp hành luật pháp của nhiều tổ chức tín dụng còn yếu, nên số liệu nợ xấu tự họ báo cáo không sát với số liệu giám sát từ xa của cơ quan thanh tra. Hay nói cách khác, con số nợ xấu thực sự cao hơn con số mỗi ngân hàng báo cáo. Trong khi để tiến tới một thị trường tài chính công khai, minh bạch thì không thể che đậy nợ xấu. Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, để tiến tới minh bạch, các quốc gia cần trải qua giai đoạn đầu là bảo đảm đánh giá đúng hiện trạng. Để thực hiện mục tiêu này, mỗi quốc gia cần tiến hành kiểm toán đặc biệt về vấn đề sở hữu chéo, nợ xấu... để tránh việc phải phỏng đoán nợ xấu; đồng thời, thực hiện kiểm toán nghiệp vụ, quy trình, năng lực quản trị, hệ thống quản lý của ngân hàng quốc doanh.
Điều lo ngại nữa là bản thân các ngân hàng thương mại cũng sợ nợ xấu của mình tăng lên. Bởi việc giải quyết nợ xấu hiện nay mới đạt được một số kết quả nhất định, trong khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã lùi thờâi hạn có hiệu lực vào ngày 1.6.2014. Dù thời hạn này đã lùi một năm so với dự kiến ban đầu, nhưng hiện không ít đơn vị đang đề xuất lùi tiếp thời gian áp dụng Thông tư 02, để tránh gây khó khăn cho ngân hàng, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc xử lý nợ xấu hiện nay vẫn có ý kiến cho là biện pháp mang tính kỹ thuật, chuyển nợ xấu từ chỗ này sang chỗ khác và giãn thời gian, liều lượng trích lập dự phòng rủi ro. Bởi các ngân hàng chỉ bán nợ xấu cho VAMC, trong khi xử lý nợ xấu sau khi bán đi như thế nào vẫn chưa có những định hướng mang tính đột phá. Lý do cơ bản vẫn là thiếu thị trường mua bán nợ xấu nên chưa có hướng xử lý triệt để.
Còn nếu các ngân hàng tự xử lý nợ xấu thì phải trích lập dự phòng rủi ro lớn. Hơn nữa, khi xử lý nợ xấu, việc bán tài sản bảo đảm của khoản vay để thu hồi vốn không dễ, bởi có thể nhà đất giấy tờ pháp lý có vấn đề hoặc người vay nợ bỏ trốn. Hơn nữa, nếu tài sản bảo đảm là bất động sản, thì thời điểm này giá giảm mạnh, ngân hàng sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Một mảnh đất khách hàng thế chấp, trước đây ngân hàng định giá 30 tỷ đồng, nay giá còn 10 - 15 tỷ đồìng, rõ ràng nếu bán thì sẽ gây thiệt thòi lớn. Do vậy, các ngân hàng sẽ đứng trước hai con đường: một là giữ tài sản, chờ thị trường bất động sản ấm lên mới phát mại; hai là bán tài sản bảo đảm ngay và chịu thiệt lớn.
Theo daibieunhandan