(CLO) Thể chế và chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ ngày càng thông thoáng hơn đã kéo được nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Chỉ riêng tại địa bàn Hà Nội, vốn đầu tư đã đạt 352.685 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước, số liệu của Cục Thống kê Hà Nội.
[caption id="attachment_71577" align="aligncenter" width="500"]
Xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những vấn đề được chú trọng khi tiến hành đầu tư và giải ngân từ vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội - Ảnh minh họa[/caption]
Điều đáng nói là không chỉ có lượng vốn đầu tư tăng mà cơ cấu vốn cũng có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, vốn nhà nước trên địa bàn có xu hướng giảm (giảm 0,5%); trong vốn ngoài nhà nước lại tăng đến 18,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,9%.
Điều này cho thấy, công cuộc thúc đẩy xã hội hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ và thu hút được lượng lớn công ty, DN, tổ chức ngoài Nhà nước tham gia.
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 11 vừa qua, TP. Hà Nội đã phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô đợt 2 năm 2015 với khối lượng 2000 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền phát hành trái phiếu đợt này sẽ được thành phố sử dụng cho các dự án phát triển an sinh xã hội trên địa bàn thành phố gồm 7 dự án chuyển tiếp, 1 dự án ODA đang triển khai thực hiện cần phải đối ứng vốn để đảm bảo tiến độ, 3 dự án mới khởi công năm 2015 và đặc biệt tập trung vào các dự án công trình giao thông, đường sắt đô thị, xử lý nước thải, công nghệ, bệnh viện...
Với chủ trương này, cơ sở hạ tầng giao thông trong năm 2016 sẽ có những bước tiến đáng kể, đảm bảo yêu cầu đáp ứng sự phát triển của nhịp độ nền kinh tế tại thủ đo và trên toàn quốc trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12 vừa qua.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh nguồn vốn xã hội hóa để giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước đồng thời đảm bảo công tác giải ngân diễn ra kịp thời, bám sát tiến độ thi công tại các công trình đặc biệt là các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Quỳnh Liên