Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn và thử thách với ngành nông nghiệp
(CLO) "Tinh thần chung phải coi năm nay là năm đặc biệt khó khăn và thử thách đối với ngành nông nghiệp" - Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ quý I năm 2019 diễn ra vào hôm nay (5/4).

Thông tin tại Họp báo quý I của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2019 ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn (Ảnh Lương Minh)
Cụ thể điều này, trong quý I, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn Châu Phi là tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá. Đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 23 tỉnh thành; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên trong quý I, nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn lợn vẫn tăng 2,5 % so với cùng kỳ năm trước.
Đứng trước tình hình đó, trong bối cảnh kinh tế và thương mại Thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với những khó khăn trong nước về dịch tả lợn Châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán một số nơi ở các tỉnh Tây Nguyên... toàn ngành nông nghiệp đã kịp thời nắm bắt được tình hình và vượt qua khó khăn. Theo đó, các mức tăng trưởng chung của ngành đều đạt mức tăng trưởng khá.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành quý I ước đạt 2,69 % so với quý I/2018, trong đó nông nghiệp tăng 1,93 %, lâm nghiệp tăng 4,32 % và thủy sản tăng 5,24 %. GDP ngành nông nghiệp trong quý I ước đạt khoảng 2,68 %, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,84 %, ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, thủy sản tăng 5,1 %. Ba tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 26,2 nghìn ha, tăng 7,5 % so với cùng kỳ năm trước, rừng trồng được chăm sóc đạt 182,3 nghìn ha, tăng 23,6 %...
Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, với khó khăn trước mắt thì xét về thực tế đó cũng là bài toán để ngành nông nghiệp nỗ lực hơn nữa. Nhưng để giải quyết khó khăn thì cần sự quyết tâm, đồng lòng của toàn ngành, sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo bộ tới từng người dân. Có như vậy, ngành nông nghiệp và PTNT mới có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện taị.
Và để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019 là 3%, trong cuộc họp báo thường kỳ quý I 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thúc đảy sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực có dư địa phát triển như: Lâm nghiệp, thủy sản, mặt hàng rau quả... Đối với lĩnh vực thủy sản, cần thúc đảy phát triển cả lĩnh vực khai thác (hải sản, thủy sản) và nuôi trồng (cá tra, tôm). Bộ trưởng đánh giá, mặt hàng cá tra sẽ phát triển tốt trong năm nay, nhất là khi Công ty Cổ phần Hùng Vương được xuất khẩu vào Mỹ với thuế bằng 0%.
Lâm nghiệp cũng có khả quan với các hiệp định đã ký kết, đó là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt nam và EU, sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt nam thâm nhập vào thị trường EU và các nước trên thế giới. Về lĩnh vực rau quả cũng có nhiều dư địa tọa đột phá trong tăng trưởng xuất khẩu trưởng xuất khẩu, nhất là khi một loạt các nhà máy chế biến lớn, hiện đại đi vào hoạt động.
Bộ trưởng đánh giá, giá rau quả trên thế giới không giảm nhiều, trong khi đó Việt Nam lại có vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, rồi công tác xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nên đây là lĩnh vực có tiềm năng để tăng trưởng, góp phần bù đắp phần cho lĩnh vực chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn Châu Phi.
Lương Minh