Năm 2021, ngành hàng không có vượt qua được “giông bão”?

Thứ năm, 21/01/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ việc phải hủy nhiều chuyến bay do ảnh hưởng bởi mưa bão và đặc biệt là thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngành hàng không đã và đang nỗ lực vượt qua “giông bão”, phục hồi sau đại dịch trong năm 2021.

Khó khăn bủa vây ngành hàng không

Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, năm 2020, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mang tên đại dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận chuyển hàng không mang tính toàn cầu. 

Hoạt động hàng không trên toàn thế giới bị ngưng trệ, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế. Tại Việt Nam, với việc các chuyến bay quốc tế thường lệ vẫn chưa được nối lại, tổng thị trường vận chuyển hành khách năm 2020 ước đạt trên 36 triệu lượt và 1,1 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 53% về hành khách và 12% về hàng hóa so với năm 2019.

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đại dịch Covid-19 đã khiến 3 đơn vị lớn ngành hàng không có vốn Nhà nước gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) và Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) thiệt hại lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đơn vị thiệt hại nặng nề nhất là Vietnam Airlines. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.676 tỷ đồng. Mức thua lỗ này thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỷ đồng của hãng bay trong 5 năm 2015-2019. Doanh thu thuần của Vietnam Airlines là 32.411 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ 2019.

Đối với Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, tổng sản lượng điều hành bay giảm 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng điều hành bay đi, đến (chuyến quốc tế) giảm 3.414 chuyến tương đương giảm 27% so với cùng kỳ.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, máy bay phải dừng hoạt động, nằm la liệt trên sân đỗ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, máy bay phải dừng hoạt động, nằm la liệt trên sân đỗ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Thống kê đến tháng 10/2020, 5 hãng hàng không của Việt Nam bao gồm: Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines đã khai thác tổng 15.916 chuyến bay, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, Jetstar Pacific giảm mạnh nhất, gần 70% với số chuyến bay 904 chuyến, VietJet Air giảm 61% với tổng chuyến bay khai thác 4.668 chuyến, Vietnam Airlines giảm 31% với tổng chuyến bay khai thác 7.365 chuyến.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành hàng không trên thế giới cũng như tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và sẽ phục hồi chậm trong năm 2021 cho đến khi có vắc-xin được sử dụng rộng rãi. 

Hành khách quốc tế thường chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số hành khách của các chuyến bay nội địa, do đó tình hình các chuyến bay quốc tế chậm phục hồi cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi lượng hành khách nội địa.

Vực dậy ngành hàng không sau “giông bão”

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một vị lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2021, hãng bay này sẽ tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, nghiên cứu phương án điều chỉnh cơ cấu đội tàu bay và cấu hình tàu bay phù hợp nhu cầu thị trường. Ưu tiên các dự án đầu tư tiết kiệm chi phí và nguồn lực. Tập trung nguồn lực triển khai các dự án/đề án phục vụ phát triển “VNA Group” theo hướng là hãng hàng không công nghệ số và hệ sinh thái doanh nghiệp...

Đặc biệt định hướng tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nằm trong chiến lược và chương trình nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bù đắp và nâng cao năng lực tài chính của Công ty mẹ do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Công tác tái cơ cấu sẽ bao gồm cả việc thoái vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư.

Về phương án tổng quát, sẽ cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp thành viên để Vietnam Airlines có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ thoái toàn bộ vốn nhóm công ty đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến vận tải hàng không để thu hồi vốn, giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Còn về phía Bamboo Airways, để tạo sức bật và ứng phó với dịch Covid-19, hãng đã đưa ra nhiều phương án thích ứng nhanh khi dịch mới bắt đầu đó là dừng các đường bay quốc tế, tập trung vào thị trường nội địa nhằm tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. Ngoài ra, đẩy mạnh khai thác những chuyến bay chở hàng hóa sẽ giảm việc tàu bay nằm đất, tối đa hóa nhân lực.

Trong tương lai, khi chưa hãng hàng không nào của Việt Nam khai thác hình thức vận chuyển hàng hóa riêng biệt, trong khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng tăng. Vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hóa và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.

Ảnh 2. Việc giữ vững ngành hàng không trước “cơn bão” Covid-19 là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết, qua khảo sát tại nhiều nước và ông thấy rằng chính phủ các nước này đều có nhiều biện pháp hỗ trợ ngành hàng không để vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Điển hình như việc giãn, hoãn thuế hay giãn hoãn các nghĩa vụ trả nợ khác ví dụ như lãi ngân hàng. Giảm các loại chi phí cho ngành hàng không như phí thuê sân đỗ, phí môi trường trong xăng dầu. Trợ cấp trả lương cho người lao động và cho vay để hỗ trợ vượt qua khó khăn thanh khoản.

Theo ông Lực, “giải cứu” ngành hàng không là việc làm cần thiết và phù hợp, bởi ngành này chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 với suy giảm lên tới 60% - 70% và thời gian phục hồi mất 2 - 3 năm.

Đặc biệt ngành hàng không cũng là một trong những ngành thiết yếu, có tác động lan tỏa tới nhiều ngành nghề liên quan. Đây không đơn thuần chỉ là lĩnh vực vận tải mà còn giữ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng... Vì vậy, việc giữ vững ngành hàng không trước “cơn bão” Covid-19 là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, hàng không Việt Nam đang có cơ hội để bứt tốc sau đại dịch không chỉ với thị trường trong nước mà còn quốc tế. Ngành hàng không thế giới bị thiệt hại nặng nề hơn Việt Nam khiến các hãng hàng không quy mô càng lớn, thị trường rộng, chi phí cao càng gặp khó khăn. Trong khi tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không thấp, rất khó gượng dậy nhanh sau dịch.

Do đó, Bộ GTVT và các hãng hàng không trong nước cần phân tích rõ hơn đối thủ trên thị trường thế giới để kịp thời kiến nghị Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh, nâng vị thế hàng không Việt Nam trong trật tự hàng không mới của thế giới sau đại dịch.

Ngoài ra tăng kích cầu bay nội địa, tận dụng tốt thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm bàn đạp để bứt tốc ra quốc tế sau dịch. PGS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, với nền kinh tế mở như Việt Nam, cứu hàng không là cứu nền kinh tế, là tài trợ cho tương lai.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Thế Anh

Tags:

Tin khác

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

(CLO) Theo báo cáo do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) sang Bắc Phi đã giảm 25% trong 7 tháng đầu của mùa trồng trọt 2023-2024, với nguồn cung từ Nga chiếm ưu thế trên thị trường khu vực.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng đáng kể dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga vào năm 2024. Trong năm nay, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, tăng mạnh so với dự báo 2,6% trong tháng 1.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

(CLO) Việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

(CLO) Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng của Nga trên đảo Sakhalin do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của Tokyo, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp