Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương
(CLO) Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của BCH TƯ khóa XII và hoàn thành hệ thống cơ chế, chính sách để chủ động cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo đời sống, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.
Chiều 16/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của ngành nội vụ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác nội vụ là nhiệm vụ nặng nề, chỉ có thể hoàn thành tốt nếu có sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, chứ không thể đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Giai đoạn 2016-2021 đã giảm được 8 huyện, 563 xã
Theo báo cáo tại buổi làm việc, về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển của ngành.
Trong đó, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; kịp thời điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.800.000 đồng, tăng 20.8%.
Về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, từ năm 2021 đến nay đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 7 sở và 2.159 phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 13,5% so với 2016, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Riêng năm 2022, các bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị; các địa phương giảm 1.020 đơn vị.
Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 và từng năm, để bảo đảm đến hết năm 2026, giảm tối thiểu 5% biên chế công chức, 10% số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026, trong đó năm học 2022-2023 giao 27.850 biên chế viên chức ngành giáo dục.
Tính đến hết năm 2021, đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế (đối với khối công chức là 10.01% và khối sự nghiệp công lập là 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách). Năm 2022, tiếp tục giảm thêm 2,48% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, qua đó thực hiện được mục tiêu tinh gọn biên chế, nâng cap năng lực, hiệu của hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giai đoạn 2016-2021 đã giảm được 8 huyện, 563 xã; đồng thời tập trung giải quyết số lượng người dôi dư.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, trong đó, đáng chú ý, Bộ Nội vụ sẽ trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và hoàn thành hệ thống cơ chế, chính sách để chủ động cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo đời sống, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành nội vụ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành nội vụ hoàn thành tốt trọng trách được giao trong thời gian tới.
Bộ Nội vụ hoàn thành rất tốt khối lượng công việc vừa lớn vừa khó, vừa mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Bộ Nội trong việc hoàn thành rất tốt khối lượng công việc vừa lớn vừa khó, vừa mới, trong đó có những nhiệm vụ liên quan đến tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, hay chuyển đổi số…
Phó Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của Bộ Nội vụ. Đối với Đề án đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị kỹ lưỡng Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình ủng hộ đề xuất điều chuyển số viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm công chức trong các tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, thành công chức; chuyển số người có mặt đang thực hiện vị trí việc làm công chức trong các tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có cơ chế tài chính đặc thù chưa được giao biên chế công chức, thành công chức.
Về kiến nghị đẩy nhanh việc cập nhật dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước ngày 30/6/2023, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu để Thủ tướng có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện trên tinh thần phải rõ việc, rõ thời hạn hoàn thành.