Năm 2023 tại Việt Nam ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV

07/12/2023 17:02

(CLO) Đáng chú ý, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ ngày 10/11 đến 10/12) và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) được chọn là: “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm mục tiêu tạo sự đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS.

Tính đến tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV và 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%).

nam 2023 tai viet nam ghi nhan 10219 truong hop phat hien moi hiv hinh 1

Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%); đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).

Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 9/2023 có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% (năm 2010) xuống còn 6,4%; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính, khi tăng từ 47,5% (năm 2010) lên 84,4% (năm 2022) và 75,1% (tháng 9/2023).

Đáng chú ý, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (kết quả giám sát trọng điểm cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022).

Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ tại Hà Nội là 5,8% năm 2022; tại Thành phố Hồ Chí Minh là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Xu thế và tình hình dịch HIV/AIDS có sự thay đổi mạnh, cho nên chủ đề Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS được nêu ra để khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS đã và đang được lan tỏa đến từng người dân, đến từng ngõ nhỏ, bản làng... cũng như đến các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, nhất là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, người đứng đầu ngành y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.

Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về phía ngành y tế, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.

Đối với các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật. Sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học-kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Năm 2023 tại Việt Nam ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO