Tin tức

Năm 2026 cấm xe máy xăng ở vành đai 1: Hà Nội phải chạy đua thế nào?

Minh Chí 14/07/2025 15:46

(CLO) Các chuyên gia chỉ ra, nếu không có sự chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng, cơ chế hỗ trợ và phát triển vận tải công cộng, quá trình chuyển đổi có thể gây xáo trộn, gặp khó khăn.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Lộ trình từ tháng 1/2028 sẽ hạn chế cả xe máy và ô tô chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2.

z6799747883349_7482172f236661f74325c7f279b0d426.jpg
Đường vành đai 1 khi khép kín bao quanh khu vực vùng lõi thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, Ông Khương Văn Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nhận định tình hình ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đang rất đáng lo ngại: "Hiện nay, Hà Nội của chúng ta, thủ đô Việt Nam, có thể nói rằng mức độ ô nhiễm gần như xếp vào những thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới. Việc ô nhiễm này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe lâu dài, làm con người suy yếu và mắc những bệnh không lường hết được".

Theo chuyên gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. "Vì sức khỏe của nhân dân, với những thách thức như thế, chúng ta bắt buộc phải làm và làm nhanh, tốt", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chỉ thị 20 đã đưa ra lộ trình cụ thể để hạn chế phát thải từ xe máy, mô tô trong các khu vực phát thải thấp của thành phố Hà Nội. Vấn đề cốt lõi hiện nay là các bộ, ngành, cơ quan liên quan và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc nghiên cứu, tìm ra những giải pháp tối ưu để thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thủ tướng, hướng tới mục tiêu chuyển đổi thành công việc hạn chế xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng xe máy điện.

Từ cơ chế chính sách đến hạ tầng điện lực

Để đạt được mục tiêu đầy này, Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia khuyến nghị cần có sự đồng bộ và nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, thực tiễn trên nhiều phương diện.

congluan-cdn.congluan.vn-files-content-2022-11-02-_phan-lan-duong-nguyen-trai-co-nhu-khong-nguoi-dan-van-manh-ai-nay-di-071740614(1).jpg
Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026

Đầu tiên là về cơ chế chính sách. Cần có cơ chế đảm bảo người dân có thể chuyển đổi phương tiện một cách êm thuận, không gây tổn thất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội. Mặc dù việc thay thế phương tiện từ xăng sang điện sẽ phát sinh chi phí, nhưng cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, thành phố, các cơ quan và doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thay thế phương tiện hợp lý theo đúng lộ trình.

Thứ hai là về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống cung cấp điện. Chuyên gia phân tích: "Chúng ta phải thống kê trong từng khu vực mà Thủ tướng yêu cầu (vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3) có khoảng bao nhiêu xe máy chạy xăng đang hoạt động. Trên cơ sở đó, nếu chúng ta chuyển đổi các xe đó thành xe điện, thì hệ thống hạ tầng điện phải phát triển để đáp ứng được yêu cầu này". Điều này bao gồm việc đảm bảo nguồn cung cấp điện, hệ thống tải điện và hệ thống nạp điện phải đủ và tiện lợi cho người dân.

"Vấn đề mấu chốt là các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan phải vào cuộc ngay để có những nghiên cứu thật khoa học, bản chất, thực tiễn, chỉ ra quá trình phải cố gắng đáp ứng lộ trình này", chuyên gia khẳng định.

Phát triển giao thông công cộng và cơ hội mới cho doanh nghiệp

Song song với việc chuyển đổi phương tiện cá nhân, việc nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông công cộng là yếu tố then chốt. Hiện nay, Hà Nội chủ yếu dựa vào xe buýt, tàu điện trên cao và các loại hình taxi, xe ôm công nghệ.

congluan-cdn.congluan.vn-files-content-2024-08-07-_tau-cao-toc-_18-2148.jpg
Phát triển giao thông công cộng và cơ hội mới cho doanh nghiệp

Về tàu điện trên cao, chuyên gia đánh giá cao nhưng cũng thừa nhận số lượng còn hạn chế và tốc độ đầu tư có giới hạn. Đối với xe buýt, thành phố Hà Nội đang tích cực thay thế xe buýt chạy nhiên liệu hóa thạch bằng xe buýt điện và đã đạt được những kết quả rất tốt. Xe buýt điện không chỉ phục vụ nhân dân tốt hơn mà còn được người dân ưa chuộng. Mục tiêu của thành phố là sẽ thay thế hoàn toàn xe buýt điện vào năm 2030.

Để hạn chế xe cá nhân hiệu quả, cần đẩy mạnh phát triển thêm nhiều tuyến xe buýt điện. "Ví dụ, nếu hiện nay chúng ta đang có 100 tuyến thì có thể phát triển thành 200-300 tuyến để phủ dày đặc mạng lưới trong thành phố. Khi đó, người dân sẽ từng bước chuyển đổi, không đi xe cá nhân nữa mà đi xe buýt", chuyên gia nêu ý kiến.

Điều này sẽ giúp tăng dần tỷ lệ người sử dụng xe buýt, qua đó thành công trong chương trình hạn chế phương tiện cá nhân mà không gây xáo trộn quá lớn đến đời sống xã hội.

Việc chuyển đổi sang phương tiện xanh cũng mở ra cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp. Chỉ đạo của Thủ tướng là động lực để đẩy mạnh công nghiệp điện, bao gồm cả công nghiệp cung cấp điện và sản xuất xe điện (ô tô điện, mô tô điện và xe máy điện). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông chuyển đổi định hướng sản xuất, áp dụng công nghệ mới, hướng tới sản xuất xe điện với các tính năng an toàn hiện đại hơn.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai việc chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện. Việt Nam có thể học tập cách thức, nhưng theo chuyên gia, không nên sao chép máy móc các phương pháp của nước khác.

"Các chính sách của chúng ta phải căn cứ vào tình hình cụ thể kinh tế xã hội và thói quen, tập quán của người Việt Nam chúng ta", chuyên gia nhấn mạnh.

"Khi nhân dân ủng hộ thì quá trình chúng ta triển khai sẽ nhẹ nhàng và dễ thành công", chuyên gia đúc kết, khẳng định sự đồng lòng của người dân là chìa khóa quan trọng nhất để Thủ đô có một môi trường sống trong lành và phát triển bền vững.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định: "Chủ trương này là hợp lý, đây là xu hướng liên quan đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng".

Tuy nhiên, để chủ trương "xanh hóa" giao thông được triển khai thuận lợi, không tác động tiêu cực đến an sinh xã hội và cuộc sống của người dân, Hà Nội cần phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp then chốt.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là Chính phủ và Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Thực tế cho thấy, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là công cụ mưu sinh chính của một bộ phận lớn người dân tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc chuyển đổi đột ngột có thể gây khó khăn lớn nếu không có sự hỗ trợ cần thiết.

Bên cạnh đó, thành phố cần đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh. Bà An nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển các trạm sạc điện đủ để đáp ứng nhu cầu khi lượng xe điện tăng lên. Đồng thời, cần tránh tình trạng độc quyền cổng sạc điện nhằm khuyến khích người dân có thêm lựa chọn phương tiện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Việc phối hợp đồng bộ giữa chính sách hỗ trợ chuyển đổi, phát triển hạ tầng sạc điện và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng xanh sẽ là chìa khóa để Hà Nội thực hiện thành công chủ trương đầy ý nghĩa này, mang lại không gian sống trong lành hơn cho người dân Thủ đô.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Năm 2026 cấm xe máy xăng ở vành đai 1: Hà Nội phải chạy đua thế nào?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO