Nam Định: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

27/05/2024 09:07

(CLO) An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh Nam Định có 18.598 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở (chiếm 33,3%), trong đó 1.664 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở (chiếm 12,6%). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) quản lý 10.061 cơ sở (chiếm 54,1%).

Thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ đầu năm đến nay, nhất là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2024), toàn tỉnh Nam Định không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; Cơ quan chức năng kiểm nghiệm 1.904 mẫu thực phẩm hóa lý, vi sinh; tỷ lệ các mẫu đạt 95,2%.

nam dinh nhieu chuyen bien tich cuc trong cong tac bao dam an toan thuc pham hinh 1

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm tại các khu vực tổ chức Festival Phở (15-17/3/2024).

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, 243 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành an toàn thực phẩm các cấp. Tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.181 cơ sở, xử phạt 46 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 182 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu xử lý là hơn 16 triệu đồng.

Thực hiện 5 đợt kiểm tra tại 78 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phương tiện khai thác thủy sản.

Trong đó, 74 cơ sở đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; xử phạt 4 trường hợp có vi phạm với số tiền 8 triệu đồng. Kiểm tra và cấp 243 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Số lượng động vật, sản phẩm động vật được kiểm dịch gồm 18.535 con lợn, 104.932 con gia cầm giống, 122.200 con gia cầm thịt, 1.200 con thỏ, 5.000 chùm hàu, 41.652kg sản phẩm động vật các loại, kiểm soát giết mổ 1.516 con lợn.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua và đặc biệt là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm các Chương trình hành động, chỉ thị, kế hoạch về việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Sở Y tế chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề, 7 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho trên 2.500 người; cấp phát 76 nghìn tờ gấp, tờ rơi; 517 băng rôn, khẩu hiệu; 256 tranh áp phích, poster, pa-nô tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tổ chức 12 lớp tập huấn cho 1.340 người là cán bộ thú y cấp xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chủ cơ sở chăn nuôi, bán thức ăn, thuốc thú y, hội viên Hội Phụ nữ.

Song song đó, các sở, ban, ngành tăng cường quản lý Nhà nước về công tác an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ.

Cụ thể, các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương tập trung phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu.

Kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, thời gian tới, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh Nam Định tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm;

Triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn, thức ăn đường phố. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nam Định: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO