Năm mão nói chuyện Miêu quyền
(NB&CL) Bất kỳ con vật nào cũng có đặc trưng riêng của nó từ động tác di chuyển, phương thức tự vệ đến khả năng săn mồi. Trong 12 con giáp, Mèo (Miêu) là loài vật di chuyển rất nhẹ nhàng nhưng vô cùng nhanh nhạy, phóng tới trước và phóng lên cao rất nhanh, đồng thời là tay nhào lộn cừ khôi.
Với những đặc tính như vậy, nên trong võ thuật, võ Mèo (Miêu quyền) được dùng trong các đòn thế, tấn pháp, bài quyền và được đặt tên cho cả môn phái; thậm chí là nền võ học của cả dân tộc.
Trong quyền thuật Việt Nam, các bậc võ sư tiền nhân khi nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên đã sáng tạo thành những bài hình tượng quyền như: Ngũ cầm quyền (Long, hổ, xà, hạc, báo), Hùng kê quyền, Linh miêu hí thử, Kim xà xuất động, Mãnh hổ xuất sơn… Một số thế võ, bài quyền mô phỏng động tác loài mèo trong võ dân tộc như: Linh miêu hí thử, Linh miêu bổ thử, Linh miêu mai phục, Linh miêu độc chiến, Xà miêu hạc quyền, Miêu xà quyền, Miêu công quyền, Bạch miêu quyền, Hắc miêu sơn…

Ở Đà Nẵng có môn phái Thiếu Lâm Bạch Miêu phái với bài quyền đặc trưng là Bạch miêu quyền và Thiếu Lâm Hắc Miêu phái với bài quyền đặc trưng Hắc miêu sơn, Trường đoản miêu sơn. Cũng tại Đà Nẵng, môn phái Thiếu lâm Quyền thuật Hòa Quang phái có bài quyền trứ danh: Miêu công quyền, được các bậc danh sư môn phái sáng lập khi quan sát cuộc chiến đấu sinh tồn giữa mèo và rắn.
Võ kinh Vạn An phái ở Huế có bài võ Linh miêu tẩy diện, Miêu xà quyền. Môn phái Thiếu Lâm Hồng gia của Tổ sư Hồng Hy Quang (Trung Quốc) được truyền bá tại Việt Nam do công võ sư Tô Tử Quang, võ sư - đại lực sĩ Hà Châu có bài quyền Xà miêu hạc quyền.
Trong võ phái Võ lâm Phật gia Việt Nam, về hệ thống quyền pháp có “Thập đại hình quyền” được phân ra 10 loại hình căn bản: Hổ, Báo, Miêu, Hùng, Mã, Hầu, Long, Xà, Ưng, Hạc. Theo Võ sư Lý Băng Sơn, võ thuật cổ truyền Đông phương, căn bản có 20 loại quyền thuật, trong đó có 16 loại thuộc về thuật và 4 loại thuộc về công phu đặc biệt. Trong 16 loại quyền thuật thuộc về thuật, có Miêu quyền.
Nhưng đặc biệt, phải kể đến bài quyền “Miêu tẩy diện” (Mèo rửa mặt) nổi tiếng khắp làng võ Bình Định và lan truyền ra thế giới. Bài quyền Miêu tẩy diện do Võ sư Lý Hân (môn phái Thiếu Lâm Bắc Tông), người Hoa ở Phúc Kiến, khi phản Thanh phục Minh, bị nhà Thanh truy đuổi nên dạt chân đến Bình Định; kết hợp với tinh hoa của võ thuật Bình Định sáng tạo nên dựa theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo. Từ sự quan sát con mèo mới ngủ dậy, hai chân trước đưa lên mặt vuốt râu, xoa mặt vừa để thần thái tỉnh táo nhưng cũng là để tự vệ và sẵn sàng vồ mồi ngay.
Bài quyền này có hơn 20 động tác chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Lúc sử dụng trảo như hổ, khi dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Chính phong thái nhẹ nhàng làm nên đặc trưng tấn trụ linh hoạt cho người tập luyện. Luận về sự tinh túy của bài quyền Miêu tẩy diện nó tha thướt lắm, nhẹ nhàng lắm nhưng cũng mạnh mẽ lắm.

Võ sư Lý Xuân Vân với thế Miêu vương tẩy mục trong bài quyền Miêu tẩy diện.
Tập Miêu tẩy diện không khó, nhưng luyện cho đến mức thân pháp và bộ pháp thành thục thì không dễ. Tới mức uyển chuyển nhẹ nhàng như mèo, ra chiêu không nghe tiếng động, di chuyển không nghe gió, chỉ khi “chỉ” (móng vuốt) tới nơi mới nghe “phà” (con mèo làm phép) thì đối phương đã dính đòn rồi. Tất cả các chiêu thức trong bài quyền đều mang tính tự vệ nhưng rất linh hoạt và có thần. Nếu so với hổ quyền với thế mạnh đôi tay của hổ mạnh mẽ, hùng lực, còn mèo thì linh hoạt nên “chỉ” của mèo lại hiểm hơn đánh vào những yếu huyệt.
Xem bài quyền Miêu tẩy diện do chính Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn, đặc biệt sẽ được xem các thao tác ba bộ đánh chỏ: “Cản chỏ đánh chỏ, bắt chỏ đánh chỏ, bạc chỏ đánh chỏ”. Dùng thân pháp của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công bằng chỏ làm Miêu tẩy diện vinh danh ra làng võ Thế giới năm 1990, khi ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga thi đấu. Đối thủ của ông là một võ sư Ba Lan cao lớn, vượt hạng cân của ông gần 10kg.
Đến giờ thượng đài, thấy ông đứng yên chẳng thủ thế gì cả, võ sư Ba Lan ngạc nhiên hỏi sao không chuẩn bị. Ông trả lời gọn lỏn: “Võ thuật Việt Nam tôi là vậy đấy, đứng chơi chơi vậy đã là thủ rồi”. Nghe xong, Võ sư kia điên tiết xông vào và Võ sư Hỷ chỉ nghiêng nghểnh mặt mèo rồi đảo tay đưa chỏ một phát thì anh ta đã ngã xụi lơ. Trong khi người xem bàng hoàng thì anh ta đã lồm cồm bò dậy và quỳ sụp xuống bái Võ sư Hỷ làm sư phụ.
Năm 2007, vùng đất An Nhơn vốn bình lặng bỗng xôn xao bởi sự xuất hiện của một Võ sư người Ý. Người này đến Bình Định và nhờ các ngành chức năng dẫn đến tìm Võ sư Lý Xuân Hỷ để giao đấu. Ở tuổi 67 với cân nặng khoảng 60kg, Võ sư Lý Xuân Hỷ không ngần ngại gật đầu tiếp chiêu, dù đối thủ nặng gấp đôi và mới 42 tuổi.
Người dân chứng kiến trận đấu hôm đó không thể nào quên khoảnh khắc võ sư “mèo” lớn tuổi, lại thấp bé nhẹ cân bước ra trận đấu với võ sư người Ý cao to lực lưỡng, nhưng trên khuôn mặt ông vẫn điềm tĩnh lạ thường.
Ngay từ những phút đầu của trận giao đấu, vị võ sư nước ngoài dựa vào lợi thế có đôi chân dài liên tục dùng cước pháp đá vào người Võ sư Hỷ, nhưng ông đều uyển chuyển né đòn. Đến khi võ sư 42 tuổi tung cú đá thật mạnh về phía mặt Lý Xuân Hỷ, với thân pháp vừa mềm mại vừa linh hoạt, tấn pháp vững vàng, phòng thủ kín đáo, kiên nhẫn và tập trung, võ sư 67 tuổi dùng thế Miêu tẩy diện quét vào chân trụ của đối thủ một cách bất ngờ, chớp nhoáng nhưng đầy dứt khoát và chính xác khiến võ sư Ý ngã gục ở phút thứ 3 của trận so tài.
Cháu nội Võ sư Lý Hân là Võ sư Lý Thành Nhân và Võ sư Lý Xuân Hỷ được gọi là võ sư “mèo” vì cả hai đều là truyền nhân chính thống của Lý gia Võ đạo với tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện”. Hiện nay, Võ sư Lý Xuân Hỷ đã lớn tuổi, trao quyền chưởng môn võ đường cho con trai đầu, Võ sư Lý Xuân Vân.
Trong hệ thống kỹ thuật tấn pháp Việt Nam, Miêu tấn cùng với: Trung bình tấn, Đinh tấn, Âm dương tấn, Hổ tấn, Xà tấn tạo thành 6 thế tấn thuộc nhóm tấn trung bình.
Âm dương võ phái do Võ sư Liên Văn Răng sáng lập có Thập bộ tấn mã (Long, Dương ngưu, Tý ngọ, Miêu, Kê, Xà, Hầu, Hổ, Khuyển, Trư bộ), trong đó có Miêu tấn. Trong 12 bộ thủ pháp của môn phái Bằng Long Hải, có Đinh bộ âm dương miêu công quyền.

Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn bài quyền nổi tiếng “Miêu tẩy diện” (Mèo rửa mặt).
Không những võ Mèo được đặt tên cho môn phái mà còn môn võ cho cả gia tộc. Giới thiệu về nguồn gốc Bắc Việt Võ từ ngàn xưa, các dân tộc thuộc Tây Bắc đã xây dựng cho mình một kho tàng văn hóa truyền thống to lớn, riêng biệt bao gồm những phong tục đặc sắc, chữ viết, thơ ca, võ thuật… Dân tộc H’Mông, một dân tộc chiếm đa số trên các dải núi cao Tây Bắc và sinh sống trên các đỉnh núi cao, quanh năm sương trắng.
Cuộc sống đấu tranh sinh tồn với muôn thú, với các bộ lạc, dân tộc khác… tự dần đã hình thành một môn võ không tên gọi, trước kia được dạy trong quân đội Mông, sau được lưu truyền trong các gia tộc (võ Mèo). Chính vì lưu truyền nội gia, chỉ truyền cho con trưởng, tuyệt đối không truyền dạy ra bên ngoài nên hàng ngàn năm võ thuật Tây Bắc vẫn được giữ trong một tấm màn bao phủ bởi những thông tin nhiều chiều do các thương gia, lính chiến, các chiến binh đã từng tham chiến ở Tây Bắc kể lại. Sự cộng hưởng, giao thoa rõ rệt với võ thuật Việt và võ thuật Trung Hoa đã làm nên những đặc biệt của dòng võ này.
Mãi sau này, Trần Ngọc Linh, sinh năm 1988, vốn đam mê võ thuật từ nhỏ; nhưng phải đến cuối năm lớp 9, Linh mới tình cờ gặp cụ Giàng A Sình, truyền nhân đời thứ 12 của dòng họ Giàng, người H’mông ở Lào Cai do không có con trai nối dõi nên khiến cụ quyết định phá lệ, nhận Linh làm truyền nhân thứ 13 của dòng võ này.
Rời mảnh đất Tây Bắc để theo học Đại học, Linh mang theo tinh thần và tình yêu võ thuật xuống Hà Nội. Nhận thấy khó có thể gìn giữ và phát triển được dòng võ này nếu cứ giữ lối lưu truyền gia tộc, Linh đã xin phép thầy truyền dạy cho bạn bè. Từ đó môn phái Bắc Việt Võ do Linh sáng lập ra đời, tức là võ của người Việt ở Tây Bắc.
Nhân năm Mão, đôi dòng về võ Mèo (võ Miêu) cho thấy khả năng thích ứng, thao tác mau lẹ, động tác uyển chuyển của loài Mèo. Qua đó, cho thấy các danh gia, võ phái, tộc người có lý khi đặt tên đòn thế, bài quyền, môn phái gắn với chữ Miêu (Mèo).
Phan Thanh Đà Hải