Nạn mua bán tiền giả trên mạng xã hội: Những kẻ rao bán ngang nhiên ra giá!
(CLO) Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân mua bán tiền giả, nhưng tệ nạn này hiện vẫn diễn ra khá nhiều ở các hội, nhóm trên mạng xã hội như facebook, Zalo...

Những hội nhóm mua bán tiền giả trên facebook thu hút hàng nghìn người tham gia, các hội nhóm này thường để lại cách thức liên hệ mua hàng thông qua Zalo.
Hiện nay, không khó để tìm kiếm các tài khoản, hội nhóm trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… với các bài viết mua bán, trao đổi tiền giả công khai. Các hội nhóm mọc lên nhộn nhịp như nấm sau mưa thu hút hàng nghìn người tham gia với nhiều hình thức liên lạc, mua bán, trao đổi tiền giả.
Để tránh bị vi phạm cộng đồng, những người lập nên các nhóm buôn bán tiền giả không sử dụng những từ khóa mang tên “tiền giả”, thay vào đó, các đối tượng chọn viết sai chính tả, lỗi chữ, không dấu… để không bị vi phạm kiểm duyệt từ các trang mạng xã hội.
Rất nhiều tài khoản Facebook ảo trong các hội nhóm công khai bán tiền giả kèm theo những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn, đồng thời để lại số điện thoại để tư vấn qua Zalo.
Theo thông tin liên hệ được để lại tại một hội nhóm riêng tư mua bán tiền giả có tới hơn 1 triệu thành viên, PV đã liên lạc thành công với tài khoản zalo có tên Nguyễn Huy. Tài khoản bán tiền giả này đã bắt đầu buôn bán từ năm 2021, tại trang cá nhân của tài khoản này luôn cập nhật các hình ảnh bán tiền giả.
Trong vai một người mua hàng, PV được tài khoản Nguyễn Huy tư vấn nhiệt tình, Theo Huy: “Hàng bên anh cọc trước 50% đơn hàng và nhận hàng kiểm tra hàng rồi thanh toán nốt em nhé. Tỉ lệ đổi hàng Campuchia giống đến 98%. Cứ 1.000.000 đồng tiền thật đổi 8.000.000 đồng tiền giả. Hàng Trung Quốc tỉ lệ đổi 1.000.000 đồng lấy 10.000.000 đồng”.

Tài khoản Nguyễn Huy nhiệt tình tư vấn mua hàng và cập nhật những hình ảnh bán hàng trên trang cá nhân.
Tài khoản Nguyễn Huy giới thiệu mình ở Lào Cai và khẳng định chắc chắn sẽ bảo mật thông tin cho người mua. Khi PV thắc mắc hàng Campuchia và Trung Quốc khác nhau ở chỗ nào, người này liền nhiệt tình giải thích rằng: “Khác nhau ở seri, hàng đẹp hơn chứ, tiền nào của đấy mà em”.
Tiếp tục liên hệ thêm với một tài khoản có tên Trần Thắng đã để lại số điện thoại trên một hội nhóm kín với hơn 3,7 triệu thành viên, tài khoản này có giá thị trường cao hơn những nơi khác.

Trang cá nhân của tài khoản Trần Thắng thường xuyên cập nhật những thông tin buôn bán.
Tài khoản Thắng ra giá: “Tỉ lệ đổi 1.000.000 đồng = 10.000.000 đồng, đặt 2.000.000 trở lên tỉ lệ 1.000.000 đồng = 12.000.000 đồng, tức 2.000.000 đồng = 24.000.000 đồng, 3.000.000 đồng = 36.000.000 đồng. Đặt hàng yêu cầu bắt buộc phải cọc trước 50% giá trị đơn hàng, hàng giao tận nơi kiểm xong thanh toán nốt, chỉ bán lại cho ai thực sự cần, đặt được thì nhắn lại, khó quá thì bỏ qua”.
Tài khoản Thắng khẳng định thêm: “Hàng bên anh gửi hàng giao bên tư nhân bảo mật tuyệt đối. Chỗ giao hàng người ta quen rồi nên là không phải lo gì hết. Giao hàng tới kiểm tra thoải mái, bảo mật tuyệt đối khi đặt hàng, nếu chốt thì báo lại nhá”.

Tài khoản Trần Thắng cung cấp hình ảnh tiền giả và một số thông tin liên quan.
Khi được PV thắc mắc về độ xác thực và nguồn gốc số tiền giả, tài khoản này cho biết: “Anh thì bán chưa lâu đâu nhưng mà khách anh chốt một ngày 20 đơn bình thường. Đấy anh chỉ nói thế thôi chứ còn em thắc mắc làm gì. Mà hàng bên anh là hàng nhập về chứ không phải tự in là được. Tự in ra được thì bán làm cái gì, bọn anh chốt hàng nhanh, thế còn đặt hàng chốt cọc 50% hàng”.
Trên thực tế, còn có rất nhiều tài khoản hoạt động buôn bán tiền giả trên facebook. Điểm chung của những tài khoản buôn bán tiền giả là đều sẵn sàng chốt và có hàng gửi đi ngay lập tức. Tuy nhiên, những tài khoản này sẽ tư vấn giao dịch bằng cách ghi âm qua Zalo, không nhắn tin hoặc trao đổi qua facebook.
Buôn bán tiền giả là một vấn nạn gây nhức nhối trên rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp cho người dân mà còn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Buôn bán tiền giả còn nảy sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực đi kèm như lừa đảo, vi phạm pháp luật…
Tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tù có thể từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bài và ảnh: Lê Trang