Thị trường - Doanh nghiệp

Nạn nhân bất ngờ của thuế quan: giới nghệ sĩ Mỹ

Việt Hà (Theo Business Insider) 22/05/2025 19:08

(CLO) Gánh nặng thuế quan khiến giá nhạc cụ tăng vọt tới 145%, đẩy hàng nghìn giấc mơ âm nhạc Mỹ vào ngõ cụt.

Alex Mundo, kỹ thuật viên guitar tại Long Island và cũng là kỹ sư âm thanh, cho biết thuế quan khiến giá nhạc cụ nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt ảnh hưởng tới người mới học. Anh lo ngại nhiều trẻ em sẽ không thể tiếp cận nhạc cụ và mất cơ hội trở thành nhạc sĩ.

770-202505221643521.png
Hình ảnh người chơi đàn guitar. Ảnh: dol academy

Thuế do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt ban đầu lên tới 145% với hàng Trung Quốc (sau giảm tạm thời xuống 30%) và 10% chung cho toàn cầu đã khiến các nhà bán lẻ như Sam Ash Music chịu áp lực lợi nhuận, còn người mua phải chi trả nhiều hơn.

Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách xuất khẩu nhạc cụ và phụ tùng sang Mỹ với 560 triệu USD năm 2024, theo sau là Indonesia, Nhật Bản, Mexico và Đài Loan.

John Mlynczak, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Âm nhạc Quốc gia (NAMM), nhận định dù các vấn đề thương mại rộng lớn hơn nhiều, thuế quan đang ảnh hưởng trực tiếp tới sáng tạo âm nhạc – một trong những loại hình nghệ thuật mang lại niềm vui và gắn kết con người.

Cullen Hendrix, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, phân tích các nhạc cụ dây giao hưởng như violin, cello và kèn đồng, cũng như đàn phím điện tử, guitar điện và bass chịu tác động nặng nề nhất.

Ông cảnh báo nhạc cụ cấp nhập môn – rẻ nhất và dễ tiếp cận nhất với học sinh - đang bị đẩy giá lên cao, làm giảm cơ hội tiếp cận âm nhạc từ giai đoạn đầu.

Theo khảo sát YouGov năm 2022, khoảng hai phần ba người Mỹ từng học chơi một nhạc cụ, dù chỉ một phần nhỏ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Việc học nhạc mang lại nhiều lợi ích cho não bộ, cải thiện khả năng phối hợp và khơi dậy sáng tạo.

Tại Vermont Violins, đơn vị cho thuê nhạc cụ chủ yếu cho học sinh, gần 1.300 trên tổng số 1.500 nhạc cụ nhập từ Trung Quốc đang gặp vấn đề tồn kho và tăng giá. Để giữ giá thuê ổn định, công ty đã chi 125.000 USD gom hàng cả năm trong một lần đặt, đồng thời chịu rủi ro vay mượn từ tương lai.

Trong khi đó, Rudy’s Music tại Scarsdale và SoHo ghi nhận giá bộ chuyển đổi nguồn từ 8 USD lên 18,5 USD, một nhà sản xuất Trung Quốc ngừng xuất hàng khiến tồn kho cạn kiệt.

Chủ cửa hàng Stephanie Pensa cho biết tâm lý khách hàng ngày càng bất an, nhiều người mua găm hàng hoặc giữ tiền chặt hơn để tránh rủi ro.

Mục tiêu cuối cùng của thuế quan là đưa sản xuất nhạc cụ về Mỹ, nhưng thực tế rất khó thực hiện trong ngắn hạn. Chi phí lao động cao, thiếu nguyên liệu đặc thù như gỗ âm nhạc hay kim loại đất hiếm, cùng tay nghề và máy móc chuyên dụng làm gia tăng chi phí sản xuất, đặc biệt ở phân khúc nhạc cụ cấp nhập môn.

NAMM nhấn mạnh các thương hiệu lớn cần bắt đầu từ sản phẩm cấp thấp do nhạc sĩ mới tập chơi thường chọn nhạc cụ rẻ, sau đó mới chuyển sang dòng cao cấp sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đào tạo nhân lực sẽ còn lâu mới hoàn thành, trong khi thuế quan tiếp tục gây áp lực lên cả người bán lẫn người mua.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nạn nhân bất ngờ của thuế quan: giới nghệ sĩ Mỹ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO