Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Kiểm toán nhà nước
Chiều 15/10, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại KTNN”.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban đề tài.
Đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại KTNN” tập trung nghiên cứu các khoảng trống chưa được đề cập hoặc chưa được nghiên cứu một cách cụ thể trước đây, qua đó góp phần hoàn thiện giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại KTNN.
Đề tài gồm 3 chương: Chương 1 - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; Chương 2 - Thực trạng giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập tại KTNN; Chương 3 - Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại KTNN.

ThS. Đỗ Xuân Long - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII thay mặt Ban đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá, đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; phân tích thực trạng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công tại KTNN và đánh giá sơ bộ kết quả đạt được, hạn chế của việc áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Đề tài đã thành công trong việc đưa ra 04 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của KTNN thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Để hoàn thiện Đề tài, Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung khung lý thuyết về mối quan hệ giữa cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN với hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để thấy được ưu điểm vượt trội của cơ chế này so với các cơ chế khác. Nêu rõ các điều kiện để thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, bao gồm: khung pháp lý, danh mục dịch vụ sự nghiệp công mà nhà nước cần đặt hàng, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ công, các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ công, làm cơ sở cho việc quản lý, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra...
Ban đề tài cần đánh giá sâu hơn về việc thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập tại KTNN; đơn vị sự nghiệp công cần chuẩn bị các điều kiện để áp dụng phương thức đặt hàng và đấu thầu, lộ trình thực hiện; bổ sung các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ công.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá đề tài được nghiên cứu công phu, phù hợp với thực tiễn, có nhiều kiến nghị cho KTNN và các Bộ, ngành liên quan. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu để bổ sung, hoàn thiện đề tài, trong đó lưu ý các nội dung: Chỉ rõ những bất cập trong cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; vận dụng các luật liên quan và quy định của KTNN để chỉ ra những vướng mắc, nguyên nhân và đưa ra giải pháp về phương thức đặt hàng và đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; nghiên cứu thực tế từ các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập để đưa ra các giải pháp, kiến nghị phù hợp với KTNN, đặc biệt là lộ trình thực hiện.