Nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã là cần thiết, cấp bách

09/04/2025 15:10

Trong bối cảnh đáp ứng yêu cầu mới, việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) là cần thiết, cấp bách đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngân hàng, thực hiện tốt sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sáng 9/4, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tổ chức Hội thảo khoa học hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn tham dự và chủ trì hội thảo.

Khằng định vai trò bệ đỡ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank cho biết, tại Việt Nam, hệ thống Quỹ tín dụng nhân được thành lập từ năm 1993 theo Quyết định 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển mô hình tín dụng hợp tác kiểu mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Năm 2001, hệ thống đã được tái cấu trúc mô hình hoạt động sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Đến năm 2013 tiếp tục tái cấu trúc mô hình theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Hợp tác xã 2012, chuyển đổi Quỹ tín dụng Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã, theo đó, tổ chức tín dụng theo mô hình hợp tác xã ở Việt Nam gồm Ngân hàng Hợp tác xã và các Quỹ tín dụng nhân dân.

nang cao nang luc tai chinh cho ngan hang hop tac xa la can thiet cap bach hinh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Trong đó, Ngân hàng Hợp tác xã là ngân hàng đầu mối của gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước, chăm sóc hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, phát triển ổn định theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho gần 2 triệu thành viên trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong đó có các đối tượng yếu thế nhằm tương trợ cộng đồng, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, hạn chế nạn tín dụng đen, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, trải qua 30 năm phát triển và 25 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 57, đến nay về cơ bản, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động ổn định, lành mạnh. Tuy bên cạnh đó vẫn có một số Quỹ tín dụng nhân dân trong giai đoạn vừa qua rời xa tôn chỉ, mục đích dẫn đến những vi phạm, tồn tại trong hoạt động, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn và an toàn của hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng Hợp tác xã và các đơn vị liên quan đã dành nhiều thời gian và nguồn lực tham gia tái cơ cấu, xử lý Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém nhằm giữ vững ổn định, an toàn hệ thống.

Hệ lụy mà các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém để lại vẫn còn rất lớn, các khoản cho vay hỗ trợ Quỹ tín dụng nhân dân của Ngân hàng Hợp tác xã đến nay vẫn chưa thể thu hồi được hết, có nguy cơ mất vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Hợp tác xã.

Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Hợp tác xã, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng hoạt động và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với Ngân hàng Hợp tác xã trong giai đoạn từ 2015-2024.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân gấp 1,1 lần so với Ngân hàng Hợp tác xã về số tương đối nhưng gấp 4 lần so với Ngân hàng Hợp tác xã về số tuyệt đối; Vốn điều lệ của các Quỹ tín dụng nhân dân là 7.856 tỷ đồng, tăng 157,51%, trong khi vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã là 3.029 tỷ đồng chỉ tăng 0,97%; tổng tài sản của Quỹ tín dụng nhân dân là hơn 192.000 tỷ đồng trong khi tổng tài sản của Ngân hàng Hợp tác xã mới gần 62.000 tỷ đồng; Mạng lưới hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân tại địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố trong khi mạng lưới của Ngân hàng Hợp tác xã chỉ gồm 32 chi nhánh và 66 phòng giao dịch hoạt động tại địa bàn 32/63 tỉnh thành phố cả nước.

Trong thời gian tới, trọng trách và nhiệm vụ của Ngân hàng Hợp tác xã đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân là rất lớn và nặng nề, trong khi năng lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác xã còn rất hạn chế, mức vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã xấp xỉ mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng, thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, chưa bằng 1/15 so với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và chỉ bằng 38,5% vốn điều lệ và 1,5% tổng tài sản của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Ông Nguyễn Quốc Cường biết, xuất phát từ thực trạng và yêu cầu đặt ra, có thể thấy việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã là cần thiết, cấp bách đáp ứng yêu cầu hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã, thực hiện tốt sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ được giao.

nang cao nang luc tai chinh cho ngan hang hop tac xa la can thiet cap bach hinh 2

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank chia sẻ tại hội thảo.

Trong khi đó, việc tăng vốn điều lệ Ngân hàng Hợp tác xã từ vốn góp của các Quỹ tín dụng nhân dân thành viên gặp nhiều khó khăn về thủ tục cũng như ảnh hưởng tới năng lực tài chính của các Quỹ tín dụng nhân dân. Mức tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn góp này không đáng kể và không thể đáp ứng được nhu cầu vốn của Ngân hàng Hợp tác xã.

Hiện nay, Ngân hàng Hợp tác xã có 1.180 Quỹ tín dụng nhân dân thành viên, sau 30 năm, tổng vốn góp tư cách thành viên và vốn góp thường niên của các Quỹ tín dụng nhân dân tại Ngân hàng Hợp tác xã là hơn 25,6 tỷ đồng. Ngoài ra, do đặc thù về mô hình, mục tiêu hoạt động, việc tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn góp của các tổ chức tín dụng, các pháp nhân khác không thực hiện được.

Thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác xã đã liên tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân qua việc đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hỗ trợ hiệu quả hơn cho các Quỹ tín dụng nhân dân, qua đó tạo nền tảng vững chắc giúp các Quỹ tín dụng nhân dân tiếp cận với dịch vụ tài chính hiện đại; không ngừng mở rộng quy mô vốn và phát triển mạng lưới hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả.

Nhằm xây dựng và phát triển Ngân hàng Hợp tác xã là hạt nhân đóng vai trò “Ngân hàng đầu mối của các Quỹ tín dụng nhân dân”, hướng tới trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính vi mô cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã, ngân hàng xác định rõ nét hơn vai trò đầu mối, liên kết và hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính cộng đồng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, giúp các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả; Hỗ trợ tài chính cho các thành viên Quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt là hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng; đẩy mạnh việc hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bằng các sản phẩm tài chính chuyên biệt, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếu thế, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đang diễn ra hết sức nhanh, mạnh mẽ, những thay đổi này đòi hỏi Ngân hàng Hợp tác xã cần phải được nâng cao năng lực tài chính, phát triển mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của thành viên, khách hàng trong giai đoạn mới.

Đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động, thực hiện tốt sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và đảm bảo cho các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định, an toàn, phát triển bền vững.

nang cao nang luc tai chinh cho ngan hang hop tac xa la can thiet cap bach hinh 3

Các đại biểu nêu ý kiến tham luận tại hội thảo.

Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, đến nay năng lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác xã đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu hỗ trợ của các Quỹ tín dụng nhân dân thành viên. Do đó, nếu không tăng năng lực tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện vai trò điều hòa, cân đối vốn cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và khả năng chăm sóc, hỗ trợ có hiệu quả cho các Quỹ tín dụng nhân dân về nghiệp vụ, vốn và tài chính.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Ngân hàng Hợp tác xã được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc tái cơ cấu và hỗ trợ Quỹ tín dụng nhân dân, đưa Ngân hàng Hợp tác xã trở thành công cụ hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát và định hướng hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Các hoạt động này diễn ra thường xuyên, hằng ngày, chi phí lớn, không sinh lời; nếu nguồn lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác xã không đủ mạnh thì không thể thực hiện được những nhiệm vụ này.

Trước sự phát triển mở rộng về quy mô, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã đối diện với nhiều áp lực về nguồn vốn và đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển công nghệ 4.0, đáp ứng nhu cầu của Quỹ tín dụng nhân dân thành viên và khách hàng.

nang cao nang luc tai chinh cho ngan hang hop tac xa la can thiet cap bach hinh 4

Quang cảnh hội thảo.

Với vai trò đầu mối hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã không chỉ đảm bảo các tỷ lệ an toàn cho bản thân Ngân hàng Hợp tác xã mà còn phải đảm bảo an toàn cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Các hoạt động cho vay hỗ trợ đối với Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, được kiểm soát đặc biệt là một trong những hoạt động chính của Ngân hàng Hợp tác xã, tuy nhiên trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân có dấu hiệu mất an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Hợp tác xã.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Ngân hàng Hợp tác xã còn thấp so với bình quân chung của ngành ngân hàng, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vốn để có thể thực hiện các mục tiêu, chức trách, nhiệm vụ được Nhà nước giao. Để đảm bảo an toàn hoạt động, trên cơ sở tương quan với các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã đặt mục tiêu CAR đến năm 2026 là 13,5%.

Tính đến ngày 28/2/2025, CAR của Ngân hàng Hợp tác xã là 11,6% (giảm 0,5% so với cuối năm 2024) và dự kiến tiếp tục giảm xuống mức 9,7% trong tháng 3 năm 2025, sát ngưỡng tối thiểu theo quy định. Với quy mô tăng trưởng tín dụng như hiện nay, trường hợp không được hỗ trợ vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ thì CAR của Ngân hàng Hợp tác xã sẽ giảm xuống dưới mức quy định hiện hành, ảnh hưởng tới an toàn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã cũng như hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, Ngân hàng Hợp tác xã đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 tầm nhìn đến năm 2030 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt chủ trương hỗ trợ vốn Nhà nước để bổ sung vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng.

Được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan, đặc biệt là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các vụ, cục chức năng Ngân hàng Nhà nước, đến nay, Ngân hàng Hợp tác xã đã hoàn thiện hồ sơ phương án tăng vốn để báo cáo, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét phê duyệt.

Đây sẽ là tiền đề để Ngân hàng Hợp tác xã thực hiện thành công các mục tiêu giải pháp tại phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo, đặc biệt xây dựng và phát triển ngân hàng có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững để thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của tất cả các Quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên phạm vi toàn quốc góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tuoitrethudo.vn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã là cần thiết, cấp bách
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO