Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc
(CLO) Chiều 17/10, trong chương trình làm việc của Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì Trung tâm thảo luận số 2 để cho ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội, trong đó, tập trung vào Dự thảo Báo cáo chính trị.
Tại phiên thảo luận, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện quy định về khuyến khích xã hội hóa, để tổ chức cá nhân tiếp cận được chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng trong công tác chăm sóc người cao tuổi, nhóm đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội. Cùng với đó cần giám sát đánh giá việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chăm sóc toàn diện cho trẻ em khuyết tật, các dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng nguồn lực xã hội giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, tham gia thảo luận.
Nhằm giúp công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đạt hiệu quả, chất lượng hơn, ông Võ Thanh An, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên.
“Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi, thu hút đối với cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ các cơ quan, ban ngành, cơ sở sang làm công tác Mặt trận. Bên cạnh đó, cần quan tâm, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, giỏi, có năng lực, có trình độ chuyên môn về làm công tác Mặt trận, đặc biệt là trong công tác giám sát và phản biện xã hội”, ông Võ Thanh An kiến nghị.

Bà Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lan Anh, đại diện khối doanh nghiệp, doanh nhân phát biểu tại diễn đàn.
Đại diện khối doanh nghiệp, doanh nhân, bà Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lan Anh kiến nghị việc khảo sát đơn giá đất theo phương pháp thặng dư. Hiện nay, nhà đầu tư mua đất, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án nhà ở thương mại có kết hợp nhà ở xã hội khi thực hiện dự án thì trong Luật Đất đai có quy định rõ là cho phép nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, khi chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư phải được khấu trừ giá trị tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do vậy, ở địa phương áp dụng gộp chung các hình thức góp vốn vào một và không khấu trừ giá trị đất mà doanh nghiệp mua giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án của gia đình, cá nhân.
“Đề nghị, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có kiến nghị trình Quốc hội và Chính phủ đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Thực tế, góp vốn có nhiều hình thức, Nhà nước nên xem xét và tách riêng những hình thức góp vốn không được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính khi thực hiện dự án”, bà Nguyễn Nam Phương bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại tổ thảo luận.
Cùng với đó, bà Nguyễn Nam Phương kiến nghị về hình thức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đối với dự án nhà đầu tư mua đất giải phóng mặt bằng bằng hình thức nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tự thỏa thuận với gia đình, cá nhân cho trả chậm có thời gian quy định về thời hạn thanh toán không phát sinh lãi, không phân chia lợi nhuận từ dự án thì nên xem xét được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng đất.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lan Anh kiến nghị: “Về hình thức nhận góp vốn vào tài sản cố định và vốn Điều lệ chủ sở hữu thì không được khấu trừ là phù hợp. Luật Đê điều đang bị chồng chéo với Luật đất đai nên Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ mà hiện nay đang vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư. Về việc hoàn tiền hoặc khấu trừ tiền doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong Luật Đất đai có chuyển tiếp nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương chưa thực hiện được”.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phát biểu.
Chia sẻ về tinh thần đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển dân tộc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tại Đại hội, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xunh phong cho rằng, đất nước ta đã có một quá trình đấu tranh anh dũng, mỗi người chúng ta đều chất chứa một tinh thần dân tộc. Để đưa đất nước bước lên cùng thế giới hơn lúc nào cần nâng tầm đức, trí, dũng. Đức là lòng yêu nước, trí là trí tuệ trong một thời kỳ mới, dũng là bản lĩnh, tinh thần dân tộc, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng vươn lên để sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ đã nói.

Các đại biểu tham gia Tổ thảo luận số 2.
Góp ý về chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, ông Vũ Trọng Kim cho rằng hiện đã có Luật, Hiến pháp chế định về nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội. Bởi vậy đề nghị trong Nghị quyết Đại hội bổ sung thêm nhiệm vụ tư vấn, giám sát, phản biện xã hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng tư vấn cho Nhà nước, Chính phủ.
Trân trọng ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trí tuệ tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Văn kiện và đưa vào nội dung Nghị quyết của Đại hội.