Đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững thông qua việc nâng cao năng suất lao động quốc gia (Ảnh TL)
Cơ sở hạ tầng là một trong những điểm yếu nhất
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là nằm trong nhóm 3 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên hiện nay, các chỉ số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018 cho thấy: Môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện về điểm số nhưng giảm một bậc so với năm 2017, xuống vị trí 69/190 nền kinh tế.
Còn theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam dù tăng điểm (từ 57,9 lên 58,1 điểm) nhưng tụt tới 3 hạng từ 77/ 140 nền kinh tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năng suất là cốt lõi của năng lực cạnh tranh nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang chủ yếu dựa trên các yếu tố có sẵn, không tái tạo được và chưa có sự đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung hiện nay không chỉ cạnh tranh về mặt giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn cạnh tranh ở yếu tố phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội...
Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững thông qua việc nâng cao năng suất lao động quốc gia chứ không chỉ là năng lực cạnh tranh đơn thuần.
Phân tích các yếu tố làm nên sức cạnh tranh cho nền kinh tế, TS Phạm Thu Hằng, VCCI cho rằng, cơ sở hạ tầng là một trong những điểm yếu nhất trong các chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam nhất là chất lượng đường bộ, cảng biển, cảng hàng không và cung cấp điện. Cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích không theo kịp tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa.
Thị trường lao động, năng suất lao động còn thấp, tồn tại các bất cập, không cân xứng cung - cầu giữa các ngành nghề; Thiếu nhân lực có kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc. Hệ thống thông tin của thị trường lao động bị hạn chế, bị chia cắt giữa các vùng miền...
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 1990-2017 cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/16 so với Sigapore, và bằng 1/2 so với Philippines.
Theo ông Trần Mai Ước, Trường đại học Ngân hàng TPHCM, năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu. Nguyên nhân cơ bản là do nền kinh tế phần lớn dựa vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ, chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ với trình độ đào tạo và kỷ luật lao động còn hạn chế. Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự đáp ứng.
Cần phải làm tốt thông tin thị trường để cung cấp cho DN (Ảnh TL)
Các DN có quy mô vừa nhỏ sức cạnh tranh hạn chế
Từ kết quả nghiên cứu cạnh tranh các loại hình kinh doanh, bà Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế Luật cho rằng, sức cạnh tranh của các DN được xếp thứ tự từ cao xuống thấp trong đó DN FDI đứng đầu sau đó đến DN nhà nước rồi đến DN tư nhân. Sức cạnh tranh của các DN được tính toán trên các yếu tố về vốn, nguồn lực đất đai, năng lực, quy mô hoạt động.
Theo đó, các DN lớn có sức cạnh tranh cao hơn nhờ tiếp cận được các chính sách kích cầu hỗ trợ đầu tư, đào tạo. Trong khi các DN có quy mô vừa nhỏ rất khó tiếp cận các chính sách này dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của nền kinh tế tương lai của Việt Nam luôn nằm dưới mức trung bình của khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN vừa và nhỏ, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho rằng, trước hết các DN phải coi trọng chất lượng, coi trọng giá trị gia tăng trong sản xuất, tích cực áp dụng công nghệ và phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường.
Theo đánh giá của bà Vũ Kim Hạnh, các DN vừa và nhỏ còn thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước, đặc biệt là thông tin về thị trường, việc tắc đầu ra khiến nông sản phải giải cứu liên miên là một ví dụ điển hình. Do đó, một trong những việc quan trọng mà các cơ quan quản lí nhà nước phải làm để hỗ trợ DN là phải làm tốt thông tin thị trường để cung cấp cho DN.
Nguyễn Mạnh