Sức khỏe

Nâng thời gian kê đơn thuốc lên 90 ngày: Thuận lợi cho người dân, giảm tải cho y tế tuyến Trung ương

Nam Nguyên 30/06/2025 07:08

(CLO) Người bệnh kỳ vọng nâng thời gian kê đơn thuốc lên 90 ngày sẽ tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc, nhân viên y tế thì hi vọng sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương lúc nào cũng "kín người".

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Thông tư mới dự kiến ban hành vào ngày 1/7 tới đây sẽ chính thức cho phép kê đơn ngoại trú tối đa 2 - 3 tháng với các bệnh mạn tính nằm trong danh mục được phê duyệt. Trước đó, theo Thông tư 52/2017/TT-BYT, thời gian kê đơn tối đa chỉ là 30 ngày, khiến người bệnh dù đã điều trị ổn định vẫn phải tái khám thường xuyên chỉ để nhận thuốc.

Điểm đáng chú ý là Thông tư mới quy định danh mục các bệnh mạn tính được xem xét cấp thuốc dài ngày. Hiện danh mục này đang đề xuất khoảng 200 bệnh, từ các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, trầm cảm…, đến các bệnh ít được nhắc đến như suy tuyến yên, viêm gan virus B mạn tính, HIV/AIDS, Parkinson, Alzheimer, Thalassemia, thậm chí có cả một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì.

Chỉ còn vài ngày nữa Thông tư được áp dụng, nhiều nhiều người bệnh mạn tính ủng hộ bởi vừa giảm tải cho bệnh viện vừa giúp người bệnh không phải đến bệnh viện hàng tháng và chịu cảnh đông đúc, chờ đợi để được khám chỉ vài phút với đơn thuốc "giống nhau".

Gian nan hành trình khám bệnh

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Nguyễn Thị Tuyết (ở Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị bệnh tiểu đường tuýp 2 đã 6 năm nay, bệnh nhân luôn tuân thủ điều trị, duy trì được mức đường huyết ổn định với chỉ số 6,2-6,4 mỗi lần đi khám. Tình trạng bệnh của bà Tuyết phải theo dõi, thăm khám thường xuyển để kiểm tra đường huyết. Bà Tuyết cảm thấy bất tiện nhất là hàng tháng, đến lịch tái bà lại phải nhờ con chở đến bệnh viện để khám, lấy thuốc để tình trạng bệnh không tiến triển nhanh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Mỗi lần tôi đi khám lấy thuốc, nếu nhanh cũng phải mất cả buổi sáng để chờ khám, làm xét nghiệm và lấy kết quả, nếu chậm sẽ sang cả buổi chiều. Lịch cấp thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) là phải theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nên bệnh nhân luôn phải bố trí đúng hẹn. Suốt thời gian dài tôi duy trì được ổn định đường huyết nên nếu được cấp thuốc 2-3 tháng/lần sẽ rất thuận lợi cho tôi vì đỡ phải đi lại nhiều”.

Đối với những bệnh nhân ở gần bệnh viện tuyến Trung Ương thì khám định kì còn mất thời gian, công sức thì những người ở tỉnh lẻ đi thăm khám còn khó khăn bội phần. Bà Đào Thị Bích (65 tuổi, ở Nam Định) mỗi lần đi tái khám, lấy thuốc tiểu đường, bà phải đi từ 4 giờ sáng lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lấy số, xếp sổ sớm nhất. Bà Bích, khám xong trong ngày.

4(2).jpg
Người bệnh mất thời gian, công sức, tiền bạc khi tái khám đối với các bệnh mãn tính.

Bà Đào Thị Bích thông tin “Tôi ở Nam Định nên khi đi khám bệnh tôi rất vất vả, mỗi tháng tôi có 1 lần tái khám nên phải đi từ rất sớm. Lên đến đây thì phải lấy số, xếp hàng, bệnh nhân thì đến khám thì đông, lần nào đến khám tôi cũng phải mất cả ngày. Đi khám bệnh trên này tôi vừa tốn thời gian, công sức, tiền bạc thật sự vô cùng gian nan, vất vả”.

Nếu được cấp thuốc dài ngày, chúng tôi rất ủng hộ. Trong đợt giãn cách do COVID-19 trước đây, chúng tôi đã từng được cấp thuốc tới 2-3 tháng/lần và kết quả vẫn tốt; khi nào có dấu hiệu bất thường, tôi mới đi khám. Nếu các chỉ số bệnh được kiểm soát, tôi nghĩ bệnh nhân nên được cấp thuốc dài ngày hơn”, bà Đinh Thị Bích chia sẻ.

Đa số các bệnh nhân mãn tính đều ủng hộ việc được cấp thuốc dài ngày, để bớt áp lực đi khám hàng tháng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân cũng cho rằng, việc cấp thuốc dài ngày chỉ nên áp dụng với một số bệnh nhân đã được điều trị ổn định, các chỉ số xét nghiệm ít bị thay đổi qua các đợt tái khám. Còn với nhiều loại bệnh mà các chỉ số có thể thay đổi liên tục thì nên được theo dõi sát hơn, không nên áp dụng cho tất cả các bệnh mãn tính.

Góp phần giảm tải cho y tế tuyến Trung ương

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về các bệnh được triển khai kéo dài thời gian cấp thuốc. “Việc cấp thuốc dài ngày có thể áp dụng cho các bệnh nhân đang điều trị duy trì, kết quả ổn định, với một số bệnh. Điều này không chỉ thuận tiện hơn cho người bệnh mà còn giúp các bệnh viện tuyến trên giảm áp lực tái khám, nhất là trong bối cảnh số lượng bệnh nhân ung thư, các bệnh mãn tính ngày càng tăng”. PGS.TS Phạm Cẩm Phương thông tin.

2(3).jpg
Việc cấp thuốc dài ngày có thể giảm áp lực tái khám đối với các bệnh viện tuyến Trung Ương.

“Hiện nay có một số nhóm bệnh nhân ung thư có thể được cân nhắc cấp thuốc dài ngày lên tới tối đa 90 ngày. Trong đó, chúng đang đề xuất các nhóm: Các bệnh nhân ung thư được điều trị ổn định như nhóm bệnh nhân ung thư vú đã được phẫu thuật, đang được điều trị duy trì bằng các thuốc nội tiết; nhóm bệnh nhân tuyến giáp thể biệt hóa, đã phẫu thuật, điều trị ổn định và đang dùng hormone tuyến giáp duy trì, có thể cấp thuốc tới 3 tháng thay vì phải định kỳ khám, lấy thuốc hàng tháng như hiện nay để giảm chi phí người bệnh phải đi lại, giảm tần suất bệnh nhân phải thăm khám. Các nhóm bệnh này cũng thường có tiên lượng tốt; có tỷ lệ điều trị khỏi cao, thuốc duy trì có thể dùng suốt đời”, PGS.TS Phạm Cẩm Phương chia sẻ.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ: “Việc mở rộng danh sách các bệnh được kéo dài thời gian cấp thuốc không chỉ giúp người bệnh mắc bệnh mạn tính thuận tiện hơn trong điều trị, mà còn góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến đầu, đồng thời bảo đảm kiểm soát tốt các bệnh mạn tính và bệnh hiếm trong cộng đồng”.

3(3).jpg
Nâng thời gian kê đơn thuốc lên 90 ngày sẽ giúp người bệnh mắc bệnh mạn tính thuận tiện hơn trong điều trị.

Ngay khi lập danh mục các bệnh được cấp thuốc dài ngày, chúng tôi đã xác định việc kéo dài thời gian kê đơn là vấn đề phải rất cẩn trọng, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người bệnh. Vì vậy, không phải cứ bệnh nào trong danh mục là được mặc định kê đơn 90 ngày. Bác sĩ sẽ phải căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để quyết định kê đơn bao nhiêu ngày”. Ông Vương Ánh Dương thông tin.

Bên cạnh đó, Ông Vương Ánh Dương cũng cho biết là thông tư mới cũng quy định rõ: Người kê đơn căn cứ vào chẩn đoán bệnh và tình trạng người bệnh để quyết định số lượng thuốc được kê, số ngày sử dụng của mỗi loại thuốc trong đơn, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Số ngày cấp thuốc sẽ tùy từng trường hợp, có thể dao động từ 30-90 ngày.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nâng thời gian kê đơn thuốc lên 90 ngày: Thuận lợi cho người dân, giảm tải cho y tế tuyến Trung ương
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO