NATO - ngổn ngang tuổi 70

Thứ năm, 04/04/2019 09:51 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 4/4/2019, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm 70 năm thành lập (1949-2019). 70 năm đã qua, từ vị thế một Liên minh quân sự lớn nhất hành tinh, với sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên chủ chốt trong nhiều vấn đề, NATO đang đứng trước tương lai bất định và ngổn ngang.

Quá khứ hoàng kim

Năm 1948, 4 năm sau khi thế chiến thứ II kết thúc, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu xấu đi nhanh chóng, hai nước có nhiều bất đồng gay gắt về tình trạng hậu thế chiến của Đức. Tháng 1 năm 1949, trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman kêu gọi một liên minh phòng thủ giữa các quốc gia Bắc Đại Tây Dương và Mỹ. Tháng 4/1949, đại diện của Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Anh, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, và Mỹ ký hiệp ước NATO. Theo đó, “một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều quốc gia NATO… sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả”.

Những năm đầu 1950, sự nóng lên của cuộc “Chiến tranh Lạnh” khắp châu Âu đã một lần nữa làm gia tăng thêm nhiều nỗi âu lo về an ninh của nhiều quốc gia, vì thế như một lẽ đương nhiên, NATO liên tục đón nhận thêm các thành viên mới. Từ đó đến nay, từ 12 thành viên ban đầu, NATO đã 6 lần được mở rộng, liên tục kết nạp thêm thành viên gồm: Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (1952), Cộng hòa Liên bang Đức (1955), Tây Ban Nha (1982), Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary (1997). Chỉ trong một ngày 29/3/2004, 7 quốc gia đã gia nhập NATO bao gồm: Bungari, Estonia, Litva, Latvia, Rumani, Slovakia, Slovenia (2004). 4 năm sau, ngày 1/4/2009, Albania trở thành quốc gia tiếp theo gia nhập NATO dù quốc gia này cũng không hề tiếp giáp với biển bắc Đại Tây Dương. Năm 2009, một sự kiện đặc biệt là Albania và Croatia - hai quốc gia cùng thuộc Nam Tư cũ - đã gia nhập NATO cùng ngày. Và thành viên trẻ nhất của NATO là Montenegro - nước mới chỉ gia nhập tổ chức này ngày 5/6/2017. Như vậy, tính tới thời điểm này, NATO hiện bao gồm 28 thành viên. Thành viên thứ 29 đang được dự đoán sẽ là Bắc Macedonia. Ngày 6/2/2019 vừa qua, Macedonia đã ký nghị định thư gia nhập NATO.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh lạnh, NATO được xem là khối quân sự - chính trị lớn nhất thế giới, có thể điều động rất nhiều vũ khí hiện đại mà ít liên minh nào có được. Vị thế của NATO, như lời đương kim Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, là việc bằng cách bảo tồn hòa bình và ổn định ở châu Âu, NATO cung cấp nền tảng cho sự thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương; Liên minh giúp truyền bá các giá trị dân chủ nhằm mang lại lợi ích cho thế giới nói chung và rằng các thành viên NATO bổ sung cho sức mạnh quân sự của Mỹ, đặc biệt là bộ máy nhân sự hai triệu người sở hữu năng lực công nghệ mũi nhọn cùng các cơ quan tình báo đạt đẳng cấp thế giới và 28 căn cứ của Mỹ trên đất châu Âu.

Tương lai nhiều thách thức

Tuy nhiên, khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên chủ chốt, sự thay đổi trên bản đồ chính trị - an ninh quốc phòng thế giới, những xung đột khó hàn gắn về quyền lực, lợi ích và tiền bạc đã đẩy NATO vào những bất đồng dai dẳng. Bên cạnh đó, việc Pháp và một số quốc gia châu Âu đang nảy ra ý tưởng về cái gọi là “quân đội chung cho châu Âu” càng đẩy NATO vào một tương lai bất định.

Cuộc tập trận Trident Juncture diễn ra hồi tháng 10/2018- cuộc tập trận lớn nhất của NATO từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Cuộc tập trận Trident Juncture diễn ra hồi tháng 10/2018- cuộc tập trận lớn nhất của NATO từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nhiều quốc gia giờ đây chỉ coi NATO là một con “hổ giấy” với sức mạnh “chỉ trên giấy tờ”. Tổng thống D.Trump Mỹ như phong thái “thẳng tưng” và mạnh miệng thường thấy đã nhiều lần lên tiếng cho rằng “NATO đã lỗi thời” thậm chí đe dọa Mỹ có thể sẽ rút khỏi NATO. Những bất đồng, khó khăn trong việc đảm bảo ngân sách chi tiêu cho NATO càng đẩy Liên minh này vào thế khó. Theo thống kê, hiện Mỹ chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và trước hội nghị lần này mới chỉ có ba nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia. Thậm chí tới nay dù các thành viên NATO từ năm 2014 đã nhất trí hoàn thành mục tiêu nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, song hiện mới chỉ có một số ít thành viên NATO triển khai thực hiện mục tiêu nêu trên. Thực tế này khiến nước Mỹ… phẫn nộ. Tổng thống D.Trump đã từng chẳng ngần ngại tuyên bố thẳng rằng các đối tác của Mỹ trong NATO là “ăn bám Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng”, các quốc gia thành viên của NATO phải chi 2% GDP cho quốc phòng ngay lập tức chứ không phải đợi tới năm 2025.

Phát triển và duy trì Liên minh theo hướng nào trong bối cảnh một châu Âu đang thắt chặt chi tiêu và Mỹ - “nhà cung cấp tài chính chính” đang “rất tỏ thái độ” là bài toán không dễ giải với các nhà lãnh đạo NATO. Tuy nhiên, chia rẽ giữa NATO-Mỹ-Châu Âu là điều khó có thể xảy ra bởi chừng nào các bên còn cần đến nhau để có thể giải quyết các an ninh lớn ở phạm vi toàn cầu thì chừng ấy NATO còn tồn tại.

 Hà Trang

Tin khác

Israel chuẩn bị tấn công tổng lực Rafah, người dân không biết trốn đi đâu

Israel chuẩn bị tấn công tổng lực Rafah, người dân không biết trốn đi đâu

(CLO) Israel đã tăng cường không kích vào Rafah sau khi tuyên bố sẽ sơ tán dân thường khỏi thành phố cực nam Gaza để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể gây thương vong hàng loạt.

Thế giới 24h
Ông Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa phóng hàng loạt mới của Triều Tiên

Ông Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa phóng hàng loạt mới của Triều Tiên

(CLO) Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Năm (25/4) đã thị sát vụ thử nghiệm tên lửa phóng hàng loạt 240 mm do một đơn vị công nghiệp quốc phòng mới thành lập sản xuất, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin vào thứ Sáu.

Thế giới 24h
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine từ chức sau cáo buộc tham nhũng

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine từ chức sau cáo buộc tham nhũng

(CLO) Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine đã nộp đơn từ chức hôm thứ Năm (25/4) sau khi ông phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì liên quan đến việc mua lại trái phép đất thuộc sở hữu nhà nước trị giá 7 triệu USD.

Thế giới 24h
DNA tiết lộ mô hình tình dục và hôn nhân ở đế chế cổ đại

DNA tiết lộ mô hình tình dục và hôn nhân ở đế chế cổ đại

(CLO) Nghiên cứu phân tích DNA cổ đại lấy từ các ngôi mộ của người Avar đã tiết lộ về nguồn gốc, cũng như mô hình tình dục và hôn nhân của đế chế từng rất hùng mạnh ở châu Âu này.

Thế giới 24h
Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

(CLO) Ngày 24/4, Nga đã bác bỏ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo kêu gọi các quốc gia ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian. Động thái này cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc đã lan ra ngoài không gian.

Thế giới 24h