NATO tìm 'lối thoát ngoại giao' cho cuộc khủng hoảng Ukraine
(CLO) NATO sẽ gửi một đề xuất bằng văn bản tới Nga vào cuối tuần này để "cố gắng tìm ra một lối thoát ngoại giao" trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới Ukraine.
Sẵn sàng tiếp tục đàm phán
Tổng thư ký Jens Stoltenberg phát biểu hôm thứ Ba rằng: "Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống ... và thảo luận về kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí, minh bạch về các hoạt động quân sự, cơ chế giảm thiểu rủi ro và các vấn đề khác có liên quan đến an ninh châu Âu. Và cũng để ngồi xuống và lắng nghe những quan ngại của Nga”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc đàm phán với Nga hồi tuần trước. Ảnh: AFP
Người đứng đầu NATO cho biết liên minh quân sự phương Tây sẽ sớm gửi đề xuất bằng văn bản tới Nga, đáp ứng các yêu cầu an ninh của Moscow và đề xuất các cuộc đàm phán nghiêm túc về kiểm soát vũ khí và các biện pháp minh bạch về các hoạt động quân sự và triển khai tên lửa.
Bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra chỉ một ngày sau khi NATO thông báo rằng một số nước thành viên đang bố trí quân đội ở chế độ báo động và triển khai tàu và máy bay chiến đấu đến Đông Âu.
Các động thái này báo hiệu mối lo ngại về khả năng Nga sẽ tấn công Ukraine, sau nhiều tháng điều động quân sự đến gần biên giới với quốc gia láng giềng này. Mối nguy về một cuộc chiến tranh tại châu Âu giữa Nga và NATO còn lớn hơn bao giờ hết.
Phát biểu từ Brussels, Stoltenberg cho biết "vẫn còn một lối thoát ngoại giao" cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, "nhưng điều đó đòi hỏi Nga phải giảm leo thang và sẵn sàng tham gia một cách thiện chí vào các cuộc đàm phán chính trị với NATO".
Nga đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ gần biên giới với Ukraine kể từ năm ngoái, cũng như đang gửi các lực lượng quân sự tới đồng minh láng giềng Belarus. Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng cho rằng sự hỗ trợ của NATO đối với quốc gia này là mối đe dọa về an ninh đối với họ.
Ông Stoltenberg nói với CNN: “NATO sẽ không triển khai binh lính chiến đấu của NATO tới Ukraine, nhưng chúng tôi cần đảm bảo rằng không có sự hiểu lầm nào về sự sẵn sàng của chúng tôi, cam kết bảo vệ tất cả các đồng minh, đặc biệt là ở phần phía đông của liên minh”.
Răn đe để ngăn chặn
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, NATO cho biết các quốc gia thành viên đã thông báo một số hoạt động triển khai đến Đông Âu trong những ngày gần đây. Cụ thể, Đan Mạch cử một tàu khu trục nhỏ đến Biển Baltic và bốn máy bay chiến đấu F-16 đến Lithuania; Hà Lan triển khai hai máy bay chiến đấu F-35 đến Bulgaria; Pháp bày tỏ sẵn sàng đưa quân đến Romania.
Mỹ cũng đang cân nhắc tăng cường hiện diện quân sự ở miền Đông. Nhưng không có gợi ý nào về việc quân đội sẽ được sử dụng để hỗ trợ Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO.

Ukraine đang nhận được viện trợ vũ khí từ các quốc gia NATO. Ảnh: RT
Stoltenberg nói với CNN rằng NATO đang cân nhắc xem có nên tăng cường hơn nữa "sự hiện diện tăng cường hoặc các nhóm chiến đấu ở phía đông nam của liên minh nữa hay không".
"Sự răn đe mạnh mẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào bất kỳ đồng minh NATO nào và là cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc xung đột", ông nói thêm.
Các cuộc đàm phán cấp cao giữa phương Tây và Nga đã kết thúc vào đầu tháng này mà không có bất kỳ đột phá nào, khiến triển vọng giảm leo thang và ngoại giao trong tương lai bị nghi ngờ.
Mỹ và các đồng minh NATO đã hy vọng các cuộc đàm phán có thể thúc đẩy Nga theo đuổi con đường "giảm leo thang và ngoại giao", nhưng Nga tỏ ra phẫn nộ trước việc Mỹ và NATO từ chối đáp ứng các yêu cầu an ninh của họ.
Các yêu cầu của Nga bao gồm lệnh cấm Ukraine gia nhập NATO và liên minh này lùi lại sự mở rộng của mình ở Đông Âu. Mỹ và các đồng minh NATO đã nhiều lần nói rằng những đề xuất như vậy từ Moscow là không có cơ sở.
Hoàng Anh