Nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu rút khỏi hiệp ước nhiên liệu hóa thạch
(CLO) Người phát ngôn của Chính phủ cho biết Đức sẽ rút khỏi hiệp ước năng lượng năm 1994 vốn bị chỉ trích nhiều vì bảo vệ các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Đức rút khỏi ECT
Được ký kết vào năm 1994, Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) đã được khoảng 50 quốc gia thông qua vào cuối Chiến tranh Lạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác năng lượng với các nước Đông Âu và các nước Liên Xô trước đây bằng cách bảo vệ các khoản đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này. Hiện tại, một số quốc gia EU cho rằng hiệp ước này không phù hợp với nhu cầu cấp bách về giải quyết biến đổi khí hậu.
Franziska Brantner, Quốc vụ khanh tại Bộ Kinh tế Đức cho biết quyết định rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) là một phần trong cam kết của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu nhằm "điều chỉnh nhất quán chính sách thương mại với bảo vệ khí hậu."

Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là những mối lo ngại hàng đầu của toàn cầu. Ảnh: DW.
Bà nói thêm rằng động thái này cũng là một tín hiệu quan trọng cho Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Theo DW, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cùng với Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ba Lan rút khỏi hiệp ước. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cho biết hiệp ước này không phù hợp với cam kết của họ đối với hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu.
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng là gì?
Với tên viết tắt là ECT và có hơn 50 thành viên ký kết bao gồm cả Liên minh Châu Âu (EU) nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và bảo vệ các công ty đầu tư vào ngành năng lượng.
Trọng tâm chủ yếu của Hiệp ước này là đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đầy biến động ở Trung Á và Đông Âu,
Một yếu tố chính của Hiệp ước cho phép các công ty năng lượng kiện các chính phủ về những thay đổi chính sách năng lượng có thể làm tổn hại đến các khoản đầu tư của họ - khiến các quốc gia phải nhận các khoản bồi thường trị giá hàng tỷ đô la.
Công ty tiện ích Đức RWE đã sử dụng ECT để khởi kiện Hà Lan, cáo buộc rằng chính phủ đã không cho phép thời gian và nguồn lực thích hợp để chuyển đổi khỏi than đá. Vụ việc có thể đã phần nào thúc đẩy quyết định từ bỏ hiệp ước của Hà Lan.
Vào tháng 6 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thành công đạt được thỏa hiệp - có hiệu lực vào tháng tới nếu không có bên ký kết nào phản đối - để sửa đổi hiệp ước nhằm hạn chế các hành động pháp lý gây nguy hiểm cho các mục tiêu khí hậu.
Nhưng các nhóm khí hậu đã chỉ trích những lỗ hổng còn sót lại trong bản cập nhật và nói rằng họ tiếp tục nỗ lực để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu có nguy cơ xảy ra.
'Trở ngại cho quá trình chuyển đổi năng lượng'
Thế giới sẽ không thể đối phó với biến đổi khí hậu nếu không có sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Trong ba năm qua, hàng loạt cú sốc có tính hệ thống đã ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh năng lượng quốc gia và khu vực. Giá năng lượng tăng chóng mặt, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Sau hàng loạt thách thức từ xung đột Nga – Ukraine đem lại, khiến Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu không khỏi “đau đầu” để vượt qua khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng sinh hoạt phí..
Từ những ngày 22/10, hàng chục nghìn người biểu tình ở sáu thành phố của Đức đã tập trung để yêu cầu các quỹ của chính phủ phân phối công bằng hơn nhằm đối phó với giá năng lượng cao, chi phí sinh hoạt tăng và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn.
Ngày 11/11, Đức "theo chân" Pháp và Hà Lan rút khỏi hiệp ước năng lượng ký năm 1994 mà những người chỉ trích cho rằng nó bảo vệ các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, lãnh đạo nhóm nghị sĩ Xanh Katharina Dröge ca ngợi quyết định của Đức là một "cột mốc quan trọng", bà cho rằng "Không có hiệp định thương mại hoặc đầu tư quốc tế nào khác trên thế giới gây ra nhiều vụ kiện nhà đầu tư hơn Hiệp ước Hiến chương Năng lượng”.
Ngoài ra, nữ lãnh đạo cũng nhận định Hiệp ước này là một trở ngại cho quá trình chuyển đổi năng lượng và tiêu tốn hàng tỷ USD của nhiều nhà nước.
Lê Na (Theo DW)