Nên ứng xử thế nào với tiền lì xì năm mới?
(CLO) Tiền lì xì năm mới để cho con giữ hay cha mẹ giữ hộ là một vấn đề nhiều người quan tâm và được các chuyên gia tài chính gợi mở cách ứng xử với tiền lì xì tại Phố sách Hà Nội vào mùng 4 Tết Ất Tỵ.
“Nuôi” lợn đất
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, em Tammy (học sinh trường Newton) cho biết: Ba năm gần đây, tiền lì xì năm mới của em đều được để “nuôi” lợn đất.
“Việc đóng học hay mua sách vở đều có mẹ em lo rồi nên tiền lì xì đầu năm mới hay tiền ông bà chúc mừng sinh nhật được em nuôi lợn đất. Ba năm nay, cứ đầu năm em đút lợn, cuối năm đập lợn được một món lại đưa cho mẹ để gửi tiết kiệm”.

Tiền lì xì năm mới để cho con giữ hay cha mẹ giữ hộ là một vấn đề nhiều người quan tâm và được các chuyên gia tài chính gợi mở cách ứng xử với tiền lì xì tại Phố sách Hà Nội vào mùng 4 Tết Ất Tỵ.
Chia sẻ tại buổi trao đổi "Khéo khôn với tiền: Xuân sang mở mang kiến thức về tài chính" do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tại phố sách Hà Nội vào ngày 1/2 (tức mùng 4 Tết Ất Tỵ), bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước - cho biết: Giáo dục tài chính cá nhân, đặc biệt là kiến thức về tiền cho các em học sinh là vô cùng quan trọng. Bởi các em cần có kiến thức để ứng xử với tiền một cách phù hợp.
Những ngày đầu năm mới, phong tục mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu nay. Những phong bao lì xì đỏ thắm tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, an lành cho cả năm. Đồng tiền may mắn lì xì đầu năm mới sau đó được sử dụng như thế nào là vấn đề nhiều bậc phụ huynh có con ở độ tuổi 8-15 rất quan tâm.
Theo gợi ý của bà Sen, các con có thể tự mình cất những đồng tiền mừng tuổi bằng cách "nuôi" lợn đất. Đây là việc mà nhiều bạn nhỏ thường làm. Ngoài ra, nhiều em có thể gửi cha mẹ giữ hộ, hoặc có em giữ lại cho mình tiền lì xì để mua đồ dùng học tập và chi tiêu vào những việc cần thiết...
Trang bị kiến thức tài chính cá nhân
Chia sẻ tại buổi trao đổi, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - nhận định giáo dục tài chính cá nhân là vấn đề vô cùng quan trọng. Hiện kiến thức về tài chính đã được đưa vào trường học theo từng cấp. Đơn cử như ở bậc tiểu học hay trung học cơ sở, trong các bài toán hay một số môn học có nội dung liên quan đến mua sắm, tiền, lãi suất...
Theo bà Lê Thị Thuý Sen, tác giả cuốn sách “Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền”, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được trang bị những kiến thức về tiền để hiểu và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm. Để được ăn no, mặc ấm, mỗi ngày các em được đến trường là nhờ sự quan tâm, yêu thương, công sức của cha mẹ.

Các em nhỏ hào hứng tham gia một trò chơi nhận diện về chức năng, giá trị của các đồng tiền trong thực tế.
Do vậy mỗi em cần hiểu và biết trân trọng sức lao động của cha mẹ, bằng việc sống có trách nhiệm, nỗ lực học tập và rèn luyện để sau này tự lo cho bản thân mình. Bà Sen chia sẻ, giáo dục tài chính là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm.
Ở Việt Nam, giáo dục tài chính được tập trung vào thế hệ trẻ. "Nhân dịp đầu xuân, tôi mong muốn các em chăm chỉ đọc sách nói chung và sách về tài chính nói riêng. Khi có những kiến thức về tài chính, các em sẽ thay đổi nhận thức và hành vi, giảm rủi ro tài chính trong tương lai, góp phần tạo nên một cộng đồng tài chính tốt đẹp tại Việt Nam", bà Sen nói.

Bà Lê Thị Thuý Sen, tác giả cuốn sách “Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền”.
Trao đổi thêm, bà Sen cho biết, mong muốn của bà là viết một cuốn sách cho gia đình người Việt.
“Kiến thức tài chính thường rất khô khan, khó hiểu và khó tiếp cận với trẻ. Để giúp trẻ tránh xa những cạm bẫy về tài chính, vấn đề kiếm tiền, giữ tiền và tiêu tiền của vấn đề quan tâm của mọi người trên toàn cầu. Khi trẻ em Việt Nam được trang bị các kiến thức tài chính tốt sẽ giúp các em có được các lối sống có trách nhiệm hơn với tiền bạc, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn và giảm thiểu rủi ro về tài chính cho cá nhân các em trong tương lai. Từ đó góp phần tạo nên một cộng đồng tài chính tốt đẹp hơn”, bà Sen nhấn mạnh.
An Hạ