Nét vẽ cuộc đời qua đôi chân kỳ diệu

Thứ ba, 17/12/2019 11:35 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tại thôn Muối, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, có một cậu bé được gọi với cái tên thân yêu : ”Cậu bé có đôi chân kỳ diệu”- đó là em Nguyễn Tiến Anh (Sinh năm 2010).

Khi nghe thông tin về “Cậu bé có đôi chân kỳ diệu”- Nguyễn Tiến Anh, tôi tò mò và quyết tâm tìm về ngôi nhà nhỏ của em tại thôn Muối, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Vừa tới đầu làng, tôi dừng xe và hỏi người dân địa phương, họ niềm nở và tự hào gọi cậu với cái tên thật thân thương: “Nguyễn Ngọc Ký làng Muối”. Trên con ngõ nhỏ dẫn vào nhà em, người dẫn đường miệt mài kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình em, và những câu chuyện vượt khó phi thường và đầy nghị lực của cậu bé có đôi chân kỳ diệu. Nhắc tới Tiến Anh, người trên xóm dưới không ai là không biết đến tấm gương vượt khó này.

Góc học tập của cậu bé Tiến Anh trong ngôi nhà nhỏ của mình. Ảnh: Thủy Tiên

Góc học tập của cậu bé Tiến Anh trong ngôi nhà nhỏ của mình. Ảnh: Thủy Tiên

Nhà em ở cuối ngõ, ngôi nhà nhỏ ấm cúng của 3 mẹ con luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Khi tôi đến, chỉ có mẹ của Tiến Anh ở nhà. Tôi ngồi trò chuyện cùng mẹ em. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Tuyên (SN 1985)- một người phụ nữ dáng cao, gầy, dù mới tiếp xúc tôi cảm nhận chị thuộc tuýp người đảm đang, tháo vát và mạnh mẽ.

Chị Tuyên tâm sự, chị đi làm công nhân và lấy chồng xa khi tuổi mới đôi mươi. Những tưởng cuộc sống hôn nhân êm đẹp và hạnh phúc. Được ít lâu, hôn nhân tan vỡ. Chị Tuyên ôm con trai đầu lòng về nhà và sống với bố mẹ đẻ tại thôn Muối. Vài năm sau, ước mong có anh, có em, người mẹ trẻ quyết định sinh thêm nhưng không đi bước nữa.

Chuỗi ngày thai kỳ cứ qua đi. Đến những tháng cuối, khi đi khám bác sĩ chẩn đoán, một trong hai bé phát triển không bình thường, bị thiếu đôi tay. Chị Tuyên đã rất lo lắng, chị nghẹn ngào “Lúc ấy, chị lo lắm. Khi sinh trong bệnh viện, các bác sĩ, đặc biệt là mẹ đẻ của chị cũng động viên tinh thần và làm công tác tư tưởng nên khi chào đón hai bé, chị rất thoải mái và hạnh phúc. Chị nghĩ âu cũng là số phận nên quyết định đặt tên hai bé là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Anh”.

Hai anh em Tuấn Anh - Tiến Anh luôn song hành từ tấm bé. Ảnh: Thủy Tiên

Hai anh em Tuấn Anh - Tiến Anh luôn song hành từ tấm bé. Ảnh: Thủy Tiên

Dù là “đôi đũa lệch” nhưng hai anh em luôn cùng nhau cố gắng. Khi mới tập đi, người anh song sinh của Tiến Anh đứng dậy tập đi, em cũng men theo ven tường tự bước đi mà không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Nhìn thấy con chập chững từng bước đi, ấy đã là một điều hạnh phúc lớn lao đối với một người mẹ, và như có phép màu lạ xảy đến với Tiến Anh, điều đó càng giúp chị Tuyên có thêm động lực để cố gắng, cũng như có thêm hy vọng rằng: ngày mai “tay con sẽ mọc”…

Khi chừng hơn 2 tuổi, Tiến Anh nói sõi, em biết dùng chân chơi trò chơi, tự xúc ăn cơm,… Khi đi mẫu giáo, chị Tuyên mong con có môi trường để hòa nhập, Tiến Anh có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Vậy mà dần dần, niềm mong mỏi của người mẹ trẻ đã trở thành hiện thực, Tiến Anh có thể tự làm được tất cả.

Chị Tuyên cùng các con trong gia đình nhỏ của mình. Ảnh: Báo Bắc Giang

Chị Tuyên cùng các con trong gia đình nhỏ của mình. Ảnh: Báo Bắc Giang

Đã từng có lần Tiến Anh hỏi mẹ rằng: Mẹ ơi, sao con không có tay như các bạn, bao giờ tay con sẽ mọc hả mẹ? Câu hỏi thơ ngây của con trai khiến lòng người mẹ trẻ quặn thắt. Dù rất nhọc nhằn, nhưng chị Tuyên đành chọn cách giải thích cặn kẽ cho Tiến Anh hiểu rằng, con là người khuyết tật, tay con sẽ không bao giờ mọc nữa… Có lẽ, nhận thức được sự thiếu hụt trên cơ thể, vì vậy mà Tiến Anh tập cho đôi chân của mình có thể làm mọi công việc của đôi tay. Không vì thế mà em mặc cảm, tự ti, trái ngược lại, Tiến Anh luôn vô tư, thoải mái, hòa đồng, hồn nhiên nô đùa, học tập cùng bè bạn.

Trải lòng cùng chị Tuyên, tôi càng hiểu thêm được nỗi lòng bao la của người mẹ trẻ này. Nhọc nhằn là thế, không biêt bao nhiêu giọt nước mắt người mẹ đã rơi vì cậu con trai bé bỏng. Tôi thương Tiến Anh bao nhiêu thì lại càng xót xa cho người phụ nữ tảo tần, lam lũ ấy bấy nhiêu.

Tôi chia tay chị Tuyên khi nắng chiều đã bớt oi ả. Tôi trở về với tâm thế còn ngậm ngùi vì chưa gặp được Tiến Anh và lòng thì nặng chĩu những bộn bề, trăn trở của người mẹ trẻ.

Tiến Anh tích cực tham gia các hoạt động thể chất rất. Ảnh: Thủy Tiên

Tiến Anh tích cực tham gia các hoạt động thể chất rất. Ảnh: Thủy Tiên

Với sự hiếu kì về câu chuyện của cậu bé “Nguyễn Ngọc Ký làng Muối”. Lần nữa,tôi tìm về trường Tiểu học Lan Mẫu, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vào một buổi chiều cuối thu. Ánh nắng vàng len lỏi qua từng tán lá cây. Cả sân trường ngập tiếng reo vui của lũ trẻ nô đùa trong giờ ra chơi. Tôi háo hức nhìn quanh sân trường, cái dáng nhỏ con, cái chân thoăn thoắt mải miết chơi đá bóng của cậu bé Tiến Anh đã khiến tôi nhanh chóng nhận ra em. Tôi thích thú đưa mắt nhìn em, nếu không được mắt thấy tai nghe, tôi sẽ không thể tin được, Tiến Anh lại có thể làm được những điều tưởng như không thể như vậy!

Tiến Anh đưa tôi đến hết những bất ngờ này tới bất ngờ khác. Khi được thấy em ngồi viết bài, “cậu bé có đôi chân kỳ diệu” này càng chứng minh cho tôi thấy rõ, em là một cậu bé rất nghị lực và kiên cường.

Em ngồi trên một chiếc bàn có thiết kế đặc biệt, giúp cho em thuận tiện dùng chân viết bài. Em kẹp bút ở hai ngón chân, đưa từng nét một, em phải gù lưng, vặn người mới có thể giữ chắc cây bút. Những nét chữ nắn nót, mềm mại cứ thế lướt trên trang giấy. Ngắm em viết bài, tôi càng thấy thương và cảm phục nghị lực phi thường của Tiến Anh.

Với đôi chân diệu kỳ, Tiến Anh đã, đang và sẽ vẽ cuộc đời của chính mình. Ảnh: Thủy Tiên

Với đôi chân diệu kỳ, Tiến Anh đã, đang và sẽ vẽ cuộc đời của chính mình. Ảnh: Thủy Tiên

Trao đổi cùng tôi, thầy Nguyễn Xuân Tưởng- Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lan Mẫu chia sẻ: “Trên lớp, Tiến Anh vẫn luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, không vì hoàn cảnh khó khăn hay bản thân tật nguyền mà mặc cảm hay tự ti. Bản thân em vẫn luôn cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Trong học tập, em luôn đạt thành tích tốt. Đặc biệt, Tiến Anh rất thích vẽ, những bài vẽ của em rất đẹp và sáng tạo. Tiến Anh đã đạt được nhiều giải vẽ tranh của trường và các cuộc thi vẽ tranh cấp thành phố”.

Tiến Anh cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn đồng trang lứa. Ảnh: Thủy Tiên

Tiến Anh cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn đồng trang lứa. Ảnh: Thủy Tiên

Giờ thì viết lách không thể làm khó được cậu bé không tay đầy nghị lực. Đặc biệt, ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, Tiến Anh luôn mơ ước trở thành họa sĩ. Em vui vẻ khoe với tôi những bức tranh em vẽ trong tập vở. Những bức tranh mang màu sắc thật tươi sáng về mẹ, về mái trường thân yêu nơi em đang theo học, về những người bạn của em,… Em vẽ tất cả những điều xung quanh em dưới ngòi bút được điều khiển bằng đôi chân kỳ diệu.

Những nét vẽ rất đẹp từ đôi chân của Tiến Anh tại cuộc thi gần đây. Ảnh: NVCC

Những nét vẽ rất đẹp từ đôi chân của Tiến Anh tại cuộc thi gần đây. Ảnh: NVCC

Trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 do hãng bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải khuyến khích. 

Với tình cảm yêu thương của Ban giám hiệu, các thầy cô, bạn bè luôn quan tâm động viên Tiến Anh. Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Tiến Anh trải lòng: “Tiến Anh là một học sinh rất ngoan. Mặc dù tất cả các kỹ năng đều được làm bằng chân, nhưng em làm rất là tốt. Các thầy cô quan tâm, có ý muốn bố trí anh trai song sinh Tuấn Anh ngồi cạnh để kèm cặp, giúp đỡ nhưng Tiến Anh từ chối, tất cả mọi việc em đều tự làm. Bản thân tôi và rất nhiều giáo viên trong trường rất khâm phục nghị lực vươn lên vượt khó của em Tiến Anh”.

Phải chăng đúng như cái tên của em- Tiến Anh, không bao giờ gục ngã và luôn tiến về phía trước. Bằng đôi chân kỳ diệu của mình, em đang vẽ nên những mảnh ghép cuộc đời bằng những gam màu thật tươi sáng, dưới chất liệu thật hồn nhiên, mộc mạc./.

Phần thưởng có ý nghĩa tinh thần rất lớn ghi nhận nỗ lực không biết mệt mỏi của Tiến Anh. Ảnh: NVCC

Phần thưởng có ý nghĩa tinh thần rất lớn ghi nhận nỗ lực không biết mệt mỏi của Tiến Anh. Ảnh: NVCC

Thủy Tiên

Tin khác

Dự báo thời tiết ngày 25/4: Thanh Hoá đến Phú Yên nắng nóng gay gắt

Dự báo thời tiết ngày 25/4: Thanh Hoá đến Phú Yên nắng nóng gay gắt

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 25/4/2024, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.

Đời sống
Hà Tĩnh: Tuyên dương 35 đảng viên, cán bộ công chức, viên chức trẻ tiêu biểu

Hà Tĩnh: Tuyên dương 35 đảng viên, cán bộ công chức, viên chức trẻ tiêu biểu

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 -1/5/2024), chiều 24/4, tại huyện Đức Thọ - quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức chương trình “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”, tuyên dương Đảng viên trẻ tiêu biểu, cán bộ công chức, viên chức trẻ giỏi toàn tỉnh.

Đời sống
Hà Giang: Mưa đá làm thiệt hại hàng trăm hecta cây rau màu

Hà Giang: Mưa đá làm thiệt hại hàng trăm hecta cây rau màu

(CLO) Ngày 23/4/2024, trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa đá, đường kính mưa đá khoảng 2-3 cm, đã làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu của người dân trên địa bàn.

Đời sống
Chìm sà lan trên vùng biển Quảng Ngãi, 3 thuyền viên tử vong

Chìm sà lan trên vùng biển Quảng Ngãi, 3 thuyền viên tử vong

(CLO) Sà lan chở đá từ cảng Kỳ Hà đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bất ngờ bị chìm trên biển khiến 3 thuyền viên tử vong, 2 người mất tích.

Đời sống
TP HCM đặt chỉ tiêu trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh

TP HCM đặt chỉ tiêu trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh

(CLO) UBND TP HCM vừa đưa ra chỉ tiêu giai đoạn 2024-2025 thành phố phải phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng, phát triển tối thiểu 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.

Đời sống