Net Zero: Bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình

31/10/2024 09:07

(NB&CL) Trong bài phát biểu tại Đại học Columbia trong chuyến thăm làm việc tại New York, Hoa Kỳ tháng 9/2024 vừa qua, người đứng đầu Đảng ta khi đề cập tới một số vấn đề trong con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã nhấn mạnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc - COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tuyên bố Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Chinh phục Net Zero, vì thế, là bước đệm cho kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, và cần sự chung tay vào cuộc hành động hết sức quyết liệt để biến quyết tâm thành hiện thực.

1. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) trong Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo đầu tháng 10/2024, đã nhấn mạnh: biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của; ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình. Góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam vẫn thúc đẩy được tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chính sách tiền tệ, tài khóa dần xanh hóa. Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp của phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt đã có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và sự tham gia tích cực trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân. Trên hết, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, với các dự án cụ thể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế như thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều, một số nhiệm vụ chậm triển khai, đặc biệt việc xây dựng chính sách về phát triển xanh, nhất là thực hiện các quy định đã được xác định tại Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, thực hiện JETP chưa đáp ứng yêu cầu...

Nhắc lại quan điểm, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược; việc đưa ra cam kết COP26, tham gia Tuyên bố JETP là chủ trương đúng đắn, là cơ hội để Việt Nam phát triển, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện cho được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước; phải hành động với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, tổ chức quốc tế.

net zero buoc dem cho ky nguyen vuon minh hinh 1

Mô hình Kinh tế tuần hoàn được triển khai tại Tập đoàn TH ngay từ khi khởi dựng dự án chăn nuôi bò sữa. Trong ảnh là một trong các Nhà máy xử lý nước thải với công nghệ hiện đại của TH tại Nghệ An.

2. Theo các chuyên gia, hành trình chuyển đổi xanh, đi tới Net Zero 2050 đặt ra rất nhiều thách thức cho nhiều quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu, vì thế những băn khoăn, quan ngại về khả năng hiện thực hóa mục tiêu Net Zero tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam - vừa phải giải bài toán vừa hướng tới nền kinh tế carbon thấp, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng - là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Vì thế, cho dù thời gian qua Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, thì trong thời gian tới, cần thêm nhiều những bước quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa. Để có được sự đồng bộ ấy, sự chung tay hành động của Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan là điều tiên quyết.

Về phía các bộ ngành, cơ quan quản lý, như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, là việc cần phải tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực toàn xã hội, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài nhà nước cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các bộ, ngành phải thường xuyên thống kê, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Trong sự cần thiết chung tay vào cuộc của tất cả các bên, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, như khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam lần thứ 11 mang chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi” (tháng 9/2024): “Doanh nghiệp, không chỉ là nhân tố đóng góp vào sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững mà còn thụ hưởng thành quả về uy tín thương hiệu, tăng trưởng dài hạn từ chính chiến lược phát triển bền vững”.

Đồng tình với điều này, tại Diễn đàn Vietnam - Asia DX Summit 2024, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng chia sẻ: “Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép cả về kinh tế số và kinh tế xanh, cần có nhiều doanh nghiệp Việt Nam “dấn thân” đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh”.

Thực tế, thời gian qua đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt đã nhập cuộc mạnh mẽ trong nỗ lực này. Tập đoàn TH là một ví dụ. Theo chia sẻ của ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH trong Diễn đàn “Khởi tạo nền kinh tế mới - Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, ở Tập đoàn TH, mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Tập đoàn TH được thực hiện ngay từ đầu với các hành động có trọng tâm, trọng điểm. Chẳng hạn như xây dựng hệ thống xử lý chất thải với những công nghệ và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới. 

“Chúng tôi hướng đến những thành tựu lớn về khoa học kỹ thuật của thế giới như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), internet vạn vật (Internet of Things)… để cải thiện các quy trình làm việc, tăng cường tiếp cận khách hàng, nâng cao trải nghiệm người dùng và tạo ra giá trị kinh doanh. Đồng thời, phát triển mà vẫn đảm bảo nguyên tắc lấy Mẹ Thiên nhiên làm nền tảng và theo hướng phát triển bền vững” - ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp tiên phong như TH không nhiều bởi trên thực tế, như Báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện mới đây với việc kết quả khảo sát diện rộng từ 2.734 doanh nghiệp cho thấy trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với 3 khó khăn lớn nhất là: Nguồn vốn để thực hiện; Nhân sự có chuyên môn và Các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp...

Trong 3 thách thức kể trên thì thiếu vốn là khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. 50% doanh nghiệp đang phải loay hoay với bài toán huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp quy mô vừa khó xoay sở nguồn tiền hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và lớn, cụ thể là 62,7% doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000 - 1.500 tỷ cho hay mình chưa thu xếp được nguồn tiền để chuyển đổi.

Rõ ràng, cùng với chính sách thì “tiền đâu” luôn là bài toán hóc búa được đặt ra trước tiên trong mọi hành trình phát triển, trong đó có việc chuyển đổi xanh. Vì thế, để hiện thực hoá được tham vọng Net Zero 2050 hay không, tài chính xanh sẽ phải là vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt bởi tới nay tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính tới hết năm 2023), trong khi trái phiếu xanh còn rất ít.

Nếu Net Zero 2050 là bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì những bệ đỡ như chính sách, như tài chính xanh cũng phải nhanh chóng thực sự là bệ đỡ cần thiết cho công cuộc xanh hoá nền kinh tế đất nước.

Thư Trang

    Nổi bật
        Mới nhất
        Net Zero: Bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO