Đổi mới cách làm
Đứng trước các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông mới phát triển như vũ bão thì không chỉ báo in mà các loại hình báo chí truyền thống khác như phát thanh, truyền hình và kể cả báo mạng điện tử cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện truyền thông mới.
Trên thế giới, báo in ra đời đầu thế kỉ 17 và phát triển chiếm vị trí độc tôn đến tận cuối thế kỷ 20. Ngành phát thanh, truyền hình ra đời ở đầu thế kỷ 20, nhưng mãi đến cuối thế 20 nó mới thực sự phát triển nhờ có sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Lúc này cũng là thời kỳ thoái trào của báo in. Nói như vậy không có nghĩa là loại hình báo in sẽ mất đi mà nó phải chuyển sang phương thức mới để tồn tại vì nói gì thì nói báo in vẫn là loại hình báo chí gốc, có những giá trị mà các loại hình báo chí – truyền thông mới khó có thể thay thế.
PGS.TS Hà Huy Phượng: Nếu hình dung báo mạng là nồi lẩu thì báo in phải là món ăn đặc sản
PGS.TS Hà Huy Phượng cho rằng: “Báo in được ví như là một “con rùa”. Khi chưa có các loại hình báo chí nào khác thì “con rùa” báo in là con vật có tốc độ đưa tin nhanh nhất trong các loại hình truyền thông. Khi mà phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử ra đời và cả mạng xã hội nữa, chúng là những “con thỏ” với tốc độ đưa tin nhanh, trực tiếp, trực tuyến và đương nhiên thời của “rùa” báo in đã hết. Vậy, “con rùa” báo in muốn tồn tại và phát triển, nó không thể nối dài thêm chân để đua về mặt tốc độ với những “con thỏ” phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và mạng xã hội được”
Theo ông thì những “con rùa” báo in cần phải sử dụng trí thông minh để thắng hoặc ít nhất hòa với các “con thỏ” phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và mạng xã hội. Nếu như trước đây các tòa soạn báo in chú trọng đưa tin thời sự các sự sự kiện, vấn đề xảy ra trong các sản phẩm thì nay nên chú trọng vào phân tích, bình luận, lý giải thông tin. Thay vì đua nhau phấn đấu trở thành nhật báo để đưa tin thời sự thì nên ra tuần báo hoặc xuất bản các ấn phẩm chuyên đề, chuyên sâu để phục vụ các nhóm công chúng chuyên biệt. Nếu phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và mạng xã hội đi vào phục vụ công chúng đại trà thì các tờ báo in nên hướng tới công chúng chuyên biệt, thị trường ngách.
PGS.TS Hà Huy Phượng khẳng định báo in có một yếu thế về mã sử dụng mã và khả năng giải mã thông điệp, đó là chủ yếu sử dụng văn tự, đó đó các sản phẩm báo in thường dễ đơn điệu và khó giải mã đối với những công chúng chưa biết chữ. Do đó, các tòa soạn báo in cần chú trọng viết ngắn, dễ hiểu, sử dụng nhiều hơn hình ảnh chụp, hình vẽ để tạo sự sinh động cho các sản phẩm, hấp dẫn công chúng.
Bài học của Sài Gòn giải phóng Thể thao
Tháng 9/2017, Ban Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng quyết định dừng xuất bản tờ báo in Sài Gòn giải phóng Thể thao. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí thì đây là một quyết định đúng đắn. Bởi, nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì nó sẽ gây lãng phí, tốn kém cho tòa soạn.
PGS,TS. Hà Huy Phượng cho rằng, Ban Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng chỉ nên tập trung vào hai ấn bản nhật báo (tiếng Việt và tiếng Hoa) vốn được coi là sản phẩm truyền thống của báo hoặc chú trọng các ấn phẩm chuyên biệt, xuất bản thưa kỳ. Tuy nhiên, Ban biên tập cần thay đổi mô hình tổ chức thông tin. Mô hình cũ là tổ chức thông tin chung, hướng đến thông tin thời sự, điều này nên dành cho Sài Gòn giải phóng điện tử.
“Các tờ nhật báo dù đưa tin nhanh đến mấy thì sang hôm sau công chúng mới được đọc, trong khi đó, các tờ báo mạng, phát thanh và truyền hình đã đưa tin trực tiếp, trực tuyến, công chúng đã tường tận cả từ hôm trước. Cái mà công chúng cần cho những thông tin ở những tờ nhật báo đó là những thông tin mang tính phân tích, bình luận, lý giải sâu, rộng về các sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm, điều này các tờ nhật báo lại ít làm được”, PGS,TS. Hà Huy Phượng nhấn mạnh.
Ông Phượng lấy ví dụ không chỉ là trường hợp của Sài Gòn giải phóng Thể thao dừng xuất bản báo in. Tờ News Week của Mỹ cũng đã dừng xuất bản cách đây ít năm để chuyển sang bản điện tử. Gần đây nhất là tờ Cambodia Daily của Campuchia cũng đã dừng bản in, vì lý do thua lỗ, không thể tồn tại.
PGS.TS Hà Huy Phượng: Những người làm báo in cần chấp nhận làm “đồ nguội”, nhưng phải ngon, bổ dưỡng, chứ ôi thiu, ngộ độc thì ai dám ăn
“Ở ta, những cơ quan báo in không được bao cấp, nếu không thay đổi phương thức, mô hình thông tin cũng sẽ khó lòng tồn tại, phát triển trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông mới”, PGS,TS. Hà Huy Phượng quả quyết.
Cần có lối đi riêng
Như vậy, giải pháp nào để báo in phát triển? Đó là câu hỏi lớn với nhiều tòa báo hiện nay. Với con mắt của người nghiên cứu truyền thông báo chí lâu năm, PGS.TS Hà Huy Phượng cho rằng: Muốn thực khách ăn món của mình làm ra trước hết phải tạo ra các món ăn hợp khẩu vị. “Món ăn” báo in dù làm nhanh đến mấy vẫn thua các loại hình báo chí khác về độ “nóng”. Do đó, bây giờ những người làm báo in không nên cố gắng chạy theo độ “nóng” của thông tin. Những người làm báo in cần chấp nhận làm “đồ nguội”, nhưng phải ngon, bổ dưỡng, chứ ôi thiu, ngộ độc thì ai dám ăn.
Các tòa soạn báo in cần có một lối đi riêng cho các sản phẩm của mình, không nên chạy đua với phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử hay mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Nếu hình dung báo mạng là “nồi lẩu thập cẩm” thì các sản phẩm báo in phải là “đặc sản” để phục vụ thực khách. “Đặc sản” mà các tòa soạn báo in tạo ra phải là những thông tin được phân tích, bình luận sâu, rộng. Mặt khác, tính “đặc sản” ở đây là các sản phẩm báo in cần hướng tới những nhóm công chúng chuyên biệt với thông tin theo từng lĩnh vực chuyên sâu. Điều này, các “nồi lầu” báo mạng không nhằm tới”, PGS.TS Hà Huy Phượng nhấn mạnh./.
Đức Huy