Nga ca ngợi hợp tác không gian với Mỹ trong vụ phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-27
(CLO) Ngày 8/4, tàu vũ trụ Soyuz MS-27 của Nga đã được phóng từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan, mang theo hai phi hành gia Nga Sergei Ryzhikov và Alexei Zubritsky cùng với phi hành gia người Mỹ Jonathan Kim (thuộc NASA), hướng đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Hiện, Soyuz MS-27 đã kết nối thành công với mô-đun Prichal thuộc phân khu Nga trên ISS, theo Tập đoàn vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos thông báo trong chương trình phát sóng trực tiếp vào thứ Ba.
Soyuz MS-27 dự kiến sẽ trở về Trái đất vào ngày 9 tháng 12. Trong sứ mệnh không gian kéo dài 8 tháng, các phi hành gia Nga sẽ thực hiện 50 thí nghiệm khoa học, bao gồm hai nghiên cứu mới. Ngoài ra, Ryzhikov và Zubritsky sẽ thực hiện hai chuyến đi bộ ngoài không gian vào tháng 10.

Tên lửa Soyuz của Nga mang theo tàu vũ trụ Soyuz MS-27 được phóng tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 8/4. Ảnh: NASA
Ông Kirill Dmitriev – đặc phái viên đầu tư của Tổng thống Vladimir Putin – đã gọi đây là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ bền chặt kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước trong lĩnh vực không gian.
Ông nhấn mạnh sự kiện lần này nối tiếp truyền thống hợp tác lâu đời bắt đầu từ năm 1975, khi tàu Apollo của Mỹ và tàu Soyuz của Liên Xô thực hiện sứ mệnh chung đầu tiên, mở màn cho kỷ nguyên hòa hoãn giữa Chiến tranh Lạnh.

Nhà du hành vũ trụ Sergey Ryzhikov của Roscosmos (bên dưới), phi hành gia NASA Jonny Kim (ở giữa) và nhà du hành vũ trụ Alexey Zubritskiy của Roscosmos (bên trên) vẫy tay tạm biệt trước khi lên tàu vũ trụ Soyuz MS-27. Ảnh: NASA
Ngoài hợp tác trên ISS, ông Dmitriev cũng nhắc đến khả năng hợp tác tương lai giữa hai nước, bao gồm đầu tư vào khai thác đất hiếm tại Nga và phát triển Bắc Cực.
Khi ISS dự kiến kết thúc hoạt động trong vài năm tới, Nga đã lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ riêng. Dự kiến, hai mô-đun đầu tiên của trạm mới sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2027. Song song đó, Nga cũng đẩy mạnh hợp tác không gian với Trung Quốc, đặc biệt trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng và Sao Hỏa.
Hoài Phương (theo TASS, NASA, RIA)