Nga hướng tới việc triển khai 'siêu tên lửa' Sarmat
(CLO) Hôm thứ Bảy (23/4), Nga cho biết họ có kế hoạch đưa vào sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mới được thử nghiệm của mình vào mùa thu năm nay.
Kế hoạch được Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos tuyên bố, là một mục tiêu đầy tham vọng. Nga vốn đã phóng thử loại tên lửa này vào thứ Tư vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng sẽ cần nhiều vụ thử hơn nữa trước khi tên lửa có thể được triển khai.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được phóng thử nghiệm tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Sarmat có khả năng mang từ 10 đầu đạn hạt nhân trở lên, tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn km. Vụ thử mới đây, sau nhiều năm trì hoãn vì vấn đề kinh phí và kỹ thuật, đánh dấu sự phô trương sức mạnh của Nga vào thời điểm cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra ngày càng khốc liệt, cũng như mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã xuống rất thấp.
Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga rằng các tên lửa sẽ được triển khai cùng một đơn vị ở vùng Krasnoyarsk của Siberia, cách Moscow khoảng 3.000 km về phía đông.
Rogozin cho biết các tên lửa sẽ được đặt ở cùng địa điểm và trong cùng hầm chứa tên lửa Voyevoda từ thời Liên Xô, giúp tiết kiệm "tài nguyên và thời gian". Ông cho biết thêm, vụ ra mắt "siêu vũ khí" là một sự kiện lịch sử sẽ đảm bảo an ninh cho con cháu của Nga trong vòng 30-40 năm tới.
Mối lo ngại của phương Tây về nguy cơ xung đột hạt nhân đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 với một bài phát biểu trong đó ông đề cập đến các lực lượng răn đe hạt nhân của nước này.
Vào tháng trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, giờ đây đã nằm trong khả năng có thể xảy ra".
Hoàng Hải (theo Reuters)