Nga phóng thử hàng loạt siêu tên lửa, tập trận răn đe hạt nhân chiến lược

30/10/2024 07:01

(CLO) Nga đã thử nghiệm một loạt tên lửa có khả năng bay hàng nghìn dặm vào thứ Ba (29/10) trong cuộc tập trận răn đe chiến lược để mô phỏng phản ứng hạt nhân “mạnh mẽ” khi bị kẻ thù tấn công.

“Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro bên ngoài mới, điều quan trọng là phải có lực lượng chiến lược hiện đại và luôn sẵn sàng sử dụng”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu khi công bố mở màn cuộc tập trận.

X

Video về vụ phóng tên lửa của Nga (nguồn: Bộ Quốc phòng Nga/Sputnik)

Bài liên quan

Điện Kremlin vung 'thanh gươm' hạt nhân để sẵn sàng bảo vệ nước Nga

Bộ ba tên lửa hạt nhân đều tham gia

Sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, sau nhiều tuần Nga phát tín hiệu với phương Tây rằng Moscow sẽ đáp trả nếu Mỹ và các đồng minh cho phép Kiev bắn tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong bình luận trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov nói với ông Putin rằng mục đích của cuộc tập trận là thực hành “một cuộc tấn công hạt nhân lớn bằng lực lượng tấn công chiến lược để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù”.

Cuộc tập trận có sự tham gia của toàn bộ “bộ ba” tên lửa hạt nhân của Nga gồm tên lửa phóng từ mặt đất, trên biển và trên không.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars đã được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở tây bắc nước Nga đến Kamchatka, một bán đảo ở Viễn Đông. Bộ Quốc phòng cho biết tên lửa đạn đạo Sineva và Bulava đã được phóng từ tàu ngầm, và tên lửa hành trình đã được phóng từ máy bay ném bom chiến lược.

nga phong thu hang loat sieu ten lua tap tran ran de hat nhan chien luoc hinh 1

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được phóng trong một cuộc thử nghiệm từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga vào ngày 29 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Lực lượng răn đe chiến lược của Nga là một thành phần của Lực lượng vũ trang Nga được chỉ định để ngăn chặn sự xâm lược chống lại Nga và các đồng minh của Nga, sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Lực lượng răn đe chiến lược bao gồm các lực lượng tấn công và phòng thủ chiến lược.

Lực lượng hạt nhân chiến lược (bộ ba hạt nhân) là thành phần chủ chốt của lực lượng tấn công chiến lược và bao gồm Lực lượng tên lửa chiến lược, Lực lượng hạt nhân chiến lược hải quân và Lực lượng hạt nhân chiến lược không quân.

Nga bắt đầu phát triển bộ ba hạt nhân vào những năm 1950. Vũ khí cơ bản của nước này hiện bao gồm các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa cố định và di động trên mặt đất, tàu ngầm hạt nhân chiến lược và máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình không đối đất chiến lược và bom trên không.

Quyết tâm bảo vệ nước Nga của ông Putin

Ông Putin cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là “biện pháp cực kỳ ngoại lệ” và nói thêm rằng: “Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng chúng ta sẽ duy trì lực lượng hạt nhân ở mức đủ mạnh cần thiết”.

Ông nói thêm rằng Nga đang chuyển sang “hệ thống tên lửa cố định và di động” mới có thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn và có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.

nga phong thu hang loat sieu ten lua tap tran ran de hat nhan chien luoc hinh 2

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được phóng trong một cuộc thử nghiệm từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga vào 29 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Cuộc tập trận diễn ra sau cuộc tập trận ngày 18 tháng 10 tại vùng Tver, phía tây bắc Moscow, bao gồm các hoạt động di chuyển thực địa của một đơn vị được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars, có tầm bắn vào các thành phố của Mỹ.

Kể từ khi xung đột với Ukrainne nổ ra, ông Putin đã gửi một loạt tín hiệu rõ ràng tới phương Tây, bao gồm việc thay đổi lập trường của Nga về các hiệp ước hạt nhân lớn và tuyên bố triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật tới nước láng giềng Belarus.

Tháng trước, người đứng đầu Điện Kremlin đã phê duyệt những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga, mở rộng danh sách các điều kiện mà Moscow có thể cân nhắc sử dụng các loại vũ khí như vậy.

Theo những thay đổi này, Nga sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước này được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung - một lời cảnh báo gửi đến phương Tây không được giúp Ukraine tấn công sâu vào Nga.

Tổng thống Putin đã nói rằng Nga không cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine. Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Cùng nhau, Nga và Mỹ kiểm soát 88% đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Huy Hoàng (theo TASS, Sputnik, Reuters)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nga phóng thử hàng loạt siêu tên lửa, tập trận răn đe hạt nhân chiến lược
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO