Nga tịch thu 50 tỷ USD tài sản phương Tây giữa cơn địa chấn kinh tế thời chiến
(CLO) Nga tịch thu khoảng 50 tỷ USD tài sản phương Tây trong 3 năm, minh chứng mô hình “pháo đài kinh tế” giữa chiến tranh.
Một nghiên cứu công bố hôm thứ Tư cho thấy, trong ba năm qua, chính quyền Nga đã tịch thu lượng tài sản trị giá khoảng 50 tỷ USD.

Con số này phản ánh quy mô của quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế “pháo đài Nga” trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Dòng chảy tài sản giữa lằn ranh xung đột
Xung đột tại Ukraine không chỉ là cuộc đối đầu quân sự mà còn kéo theo sự dịch chuyển tài sản quy mô lớn. Nhiều công ty phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga, để lại những khoảng trống kinh tế đáng kể.
Trong khi đó, tài sản của một số doanh nghiệp bị chính quyền Nga tịch thu, và ngay cả các công ty lớn trong nước cũng không tránh khỏi làn sóng này khi bị nhà nước thu giữ.
Để đáp trả những động thái mà Nga coi là bất hợp pháp từ phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin đã ký hàng loạt sắc lệnh trong ba năm qua.
Các sắc lệnh này mở đường cho việc tịch thu tài sản của các công ty phương Tây, từ tập đoàn năng lượng Uniper của Đức cho đến hãng bia Carlsberg của Đan Mạch.
Không chỉ dừng lại ở tài sản nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng buộc phải đổi chủ. Quá trình này dựa trên các cơ chế pháp lý khác nhau, bao gồm nhu cầu về nguồn lực chiến lược, cáo buộc tham nhũng, vi phạm trong quá trình tư nhân hóa trước đây hoặc quản lý yếu kém.
Công ty luật NSP có trụ sở tại Moscow cho biết, quy mô của quá trình mà họ gọi là “quốc hữu hóa” đã lên tới 3,9 tỷ rouble trong ba năm, kèm theo danh sách các công ty liên quan.
Nghiên cứu này, được tờ báo uy tín Kommersant của Nga đăng tải đầu tiên, nhấn mạnh rằng đây là minh chứng rõ ràng cho mô hình kinh tế “pháo đài Nga” đang hình thành.
Hành trình kinh tế Nga: Từ hy vọng đến thách thức
Sự tan rã của Liên Xô năm 1991 từng mở ra hy vọng rằng Nga có thể chuyển mình thành một nền kinh tế thị trường tự do, hòa nhập với thế giới.
Tuy nhiên, tham nhũng tràn lan, bất ổn kinh tế và sự gia tăng của tội phạm có tổ chức trong suốt thập niên 1990 đã làm lung lay niềm tin vào mô hình tư bản dân chủ.
Trong tám năm đầu nắm quyền, Tổng thống Vladimir Putin từng ủng hộ các chính sách tự do kinh tế. Ông nhắm đến một số nhà tài phiệt, đồng thời chứng kiến nền kinh tế Nga tăng trưởng vượt bậc, từ 200 tỷ USD năm 1999 lên 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2008.
Đến giai đoạn 2008-2022, quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng lên 2,3 nghìn tỷ USD, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dù vậy, các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014 đã giáng một đòn mạnh vào đà tăng trưởng này.
Dẫu chịu ảnh hưởng từ chiến tranh Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn cho thấy khả năng thích nghi tốt hơn dự đoán. Tuy nhiên, theo IMF, quy mô danh nghĩa của nền kinh tế Nga năm 2024 chỉ đạt 2,2 nghìn tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ.
“Pháo đài Nga” và những bước đi chiến lược
Các quan chức Nga nhận định, cuộc chiến ở Ukraine đã buộc Nga phải áp dụng những biện pháp đặc biệt. Họ cho rằng đây là cách để ngăn chặn nỗ lực của phương Tây nhằm kìm hãm nền kinh tế Nga.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, việc các công ty phương Tây rời đi đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước vươn lên.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi xây dựng một “mô hình phát triển mới”, khác biệt với xu hướng toàn cầu hóa mà ông cho là đã lỗi thời.
Tuy nhiên, nền kinh tế thời chiến, với trọng tâm là sản xuất vũ khí và hỗ trợ cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, đã đặt nhà nước vào vị trí quyền lực vượt trội so với khu vực tư nhân. Điều này làm dấy lên những câu hỏi về sự cân bằng trong hệ thống kinh tế Nga.
Những động thái pháp lý nổi bật
Hiện tại, các công tố viên Nga đang tìm cách tịch thu cổ phần đa số của tỷ phú Konstantin Strukov trong Uzhuralzoloto (UGC) - một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất nước - để chuyển giao cho nhà nước. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự thay đổi lớn trong cơ cấu sở hữu tại Nga.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022, hơn 1.000 công ty, từ McDonald’s đến Mercedes-Benz, đã rời khỏi thị trường này.
Một số chọn cách bán tài sản, chuyển giao quyền quản lý cho đối tác địa phương hoặc đơn giản là từ bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác bị tịch thu tài sản và buộc phải bán lại với những điều kiện không mong muốn.
Mô hình kinh tế “pháo đài Nga” đang định hình rõ nét hơn trong bối cảnh chiến tranh và trừng phạt.
Dù mang lại một số kết quả tích cực trong ngắn hạn, nó cũng đặt ra không ít thách thức dài hạn cho sự phát triển bền vững của Nga.
Cuộc đối đầu kinh tế với phương Tây không chỉ là câu chuyện của những con số, mà còn là bài toán chiến lược đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các nhà lãnh đạo Nga.