Nga tiết lộ thâm hụt ngân sách thấp hơn dự kiến
(CLO) Hôm 22/11, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tiết lộ thâm hụt ngân sách của Moscow đã thu hẹp và sẽ thấp hơn đáng kể so với dự đoán trước đây của Chính phủ.
Nguyên nhân chính là do doanh thu từ năng lượng và nền kinh tế nói chung đã phục hồi bất chấp áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo ước tính mới nhất, thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với các dự báo trước đó, có thể khiến thâm hụt lên tới 2,9 nghìn tỷ rúp (32,8 tỷ USD) hay 2% GDP.

Ảnh: Ilya Pitalev/Sputnik.
Doanh thu liên bang đã tăng lên khi số tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt của Nga tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng vào tháng 10.
“Các khoản thu nhập bổ sung ngoài dầu mỏ và khí đốt cũng đạt khá tốt. Nền kinh tế đang hoạt động và tốc độ tăng trưởng cho phép chúng ta thu về nguồn thu ngân sách cao hơn”, ông Siluanov nói với các phóng viên tại Hội đồng Liên đoàn.
Vào tháng 7, Bộ Tài chính dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ dao động quanh mức 2% hoặc 2,5% sản lượng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, Chính phủ sau đó đã bác bỏ những lo ngại về thâm hụt ngày càng gia tăng vì “các chỉ số kinh tế vĩ mô” tích cực cho phép chính quyền điều chỉnh tăng dự báo ngân sách.
Thâm hụt ngân sách từ tháng 1 đến tháng 10 lên tới 1,235 nghìn tỷ rúp (14 tỷ USD) hay 0,7% GDP.
Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có từ phương Tây liên quan đến xung đột Ukraine, khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái 2,1% vào năm 2022.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong kịch bản cơ sở năm nay sẽ từ 2,2 - 2,7%. Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, tăng trưởng kinh tế của Nga năm nay dự kiến sẽ vượt 3%, tốt hơn so với dự báo chính thức trước đó.
Tổng thống Putin cũng cho biết, cơ cấu nền kinh tế Nga đang có những dịch chuyển tích cực, trong đó sản xuất chế biến chiếm 43% cơ cấu tăng trưởng.
Từng là nước nhập khẩu ròng lương thực, hiện “xứ bạch dương” đã thành công trong việc trở thành nước xuất khẩu lớn trên toàn cầu và dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 triệu tấn lúa mì cho thị trường thế giới trong năm nay.
Điệp Nguyễn (Theo RT)