Nga, Trung Quốc và 'phanh nợ' đang khiến nền kinh tế Đức trì trệ khi cử tri đi bỏ phiếu

23/02/2025 18:01

(CLO) Kinh tế Đức suy giảm hai năm liên tiếp, GDP chỉ tăng 0,3% năm 2024, giữa áp lực từ Nga, Trung Quốc và chính sách "phanh nợ".

Cuộc bầu cử liên bang Đức vào Chủ nhật tuần này là một trong những cuộc đối đầu chính trị đáng chú ý ở châu Âu, với sự cạnh tranh giữa các đảng truyền thống và những đảng dân túy mới nổi. Trong đó, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cùng các đối tác liên minh của đảng này đang đối đầu với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), vốn nhận được sự ủng hộ từ tỷ phú Elon Musk.

nga trung quoc va phanh no dang khien nen kinh te duc tri tre khi cu tri di bo phieu hinh 1

Người dân Đức đang biểu tình trên phố. Ảnh: Sean Gallup

Nền kinh tế Đức đang gặp nhiều khó khăn và đây chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử. Friedrich Merz, lãnh đạo CDU và là ứng viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng, cam kết sẽ cắt giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hạ giá năng lượng để vực dậy nền kinh tế.

Vậy điều gì đã đẩy nước Đức vào tình trạng này? Những vấn đề nào đang kìm hãm nền kinh tế lớn nhất châu Âu, và đâu có thể là giải pháp?

Thăng trầm của nền kinh tế Đức

Sau Thế chiến II, Đức vươn lên thành một cường quốc sản xuất, nổi tiếng với những mặt hàng công nghiệp như máy móc và ô tô cao cấp. Với dân số gần 84 triệu người, Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP đạt 4,7 nghìn tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ (29,2 nghìn tỷ USD) và Trung Quốc (18,3 nghìn tỷ USD), theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2024.

Tuy nhiên, nền kinh tế Đức đã suy giảm trong hai năm liên tiếp (2023 và 2024) trong khi các nền kinh tế lớn khác đều tăng trưởng, ngoại trừ Nhật Bản vào năm ngoái.

Năm 2025, Đức dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các nước cùng nhóm. Theo IMF, GDP thực tế của Đức năm nay chỉ tăng 0,3%, thấp hơn nhiều so với Mỹ (2,7%), Trung Quốc (4,6%), Nhật Bản (1,1%), Anh (1,6%) và Pháp (0,8%).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái là sự suy yếu trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Sản lượng công nghiệp đã giảm hơn 10% kể từ năm 2019, khiến khoảng 350.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị mất.

Những tập đoàn lớn như Volkswagen (ôtô), BASF (hóa chất) và Thyssenkrupp (thép và hàng công nghiệp) đã mất hơn 50 tỷ USD giá trị thị trường trong 5 năm qua, tương đương khoảng một phần ba giá trị vốn hóa.

Theo chuyên gia Stefan Koopman của Rabobank, sự suy giảm này đang khiến người dân cảm thấy rằng "thời kỳ hoàng kim của nước Đức đã qua". Ông cho rằng đảng cực hữu AfD đang khai thác tâm lý lo ngại này bằng cách kết hợp thông điệp "khôi phục quá khứ" với các yếu tố cực đoan, đồng thời biến những vấn đề kinh tế và di cư thành một câu chuyện về sự suy yếu quốc gia.

Hồi tháng 12, Elon Musk từng đăng trên nền tảng X rằng "chỉ có AfD mới có thể cứu nước Đức" và từ đó đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ đảng này, thậm chí còn phỏng vấn lãnh đạo AfD, Alice Weidel.

Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga

Chính sách năng lượng trước đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Đức gặp khó khăn.

Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế lớn nhất châu Âu dựa vào khí đốt giá rẻ từ Nga để sản xuất thép, hóa chất và hàng loạt sản phẩm xuất khẩu khác. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine từ năm 2022 đã đẩy giá năng lượng lên cao.

Chính phủ Đức sau đó đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga và chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế như khí hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo, nhưng chi phí cao hơn khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài mất dần hứng thú đầu tư vào Đức.

Việc đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân từ năm 2011, đặc biệt là khi ba nhà máy cuối cùng bị ngừng hoạt động vào năm 2023, càng làm cho nền kinh tế Đức phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng từ Nga trong quá khứ, dẫn đến quá trình "cai nghiện" đầy khó khăn.

Từ khách hàng thành đối thủ

Trước đây, Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu lớn của Đức. Nhưng trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp khi đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm như thép, máy móc, tấm pin mặt trời và xe điện.

Chi phí sản xuất thấp hơn và các quy định ít khắt khe hơn tại Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp Đức chuyển một phần hoạt động sang nước này.

Đức đã giữ vững vị trí số một trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh công nghiệp của Liên Hợp Quốc suốt 20 năm qua, nhưng Trung Quốc đã vươn từ hạng 33 lên vị trí thứ hai, cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn.

Chính sách tài chính thắt chặt

Chính phủ Đức đã hạn chế đầu tư vào nhiều lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giáo dục, an ninh và cơ sở hạ tầng trong nhiều năm, khiến năng suất lao động và năng lực cạnh tranh suy giảm.

Một trong những nguyên nhân là chính sách "phanh nợ" được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giới hạn thâm hụt ngân sách liên bang ở mức 0,35% GDP. Trong khi đó, mức thâm hụt của Mỹ năm ngoái vượt 6%.

Theo Alison Savas, Giám đốc đầu tư tại Antipodes Partners, chính sách này giống như "phanh tay" ngăn nước Đức hỗ trợ nền kinh tế của mình, trong khi các quốc gia khác lại nới lỏng tài khóa để kích thích tăng trưởng.

Bà cho rằng nếu Đức nới lỏng chính sách tài khóa, nước này có thể đầu tư mạnh hơn vào hạ tầng công cộng, đồng thời đáp ứng yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng có thể đến từ chính quyền Tổng thống Donald Trump nếu ông tái đắc cử.

Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman nhận định trên Substack rằng sự "ám ảnh" của Đức với việc kiểm soát nợ đã biến nước này từ một hình mẫu kinh tế thành một "câu chuyện cảnh báo" về hậu quả của tư duy cứng nhắc.

Tương lai nào cho nền kinh tế Đức?

Ngoài những vấn đề trên, Đức còn đối mặt với lực lượng lao động thu hẹp, dân số già hóa, thiếu hụt lao động có tay nghề, giá dịch vụ giữ trẻ cao và bộ máy hành chính cồng kềnh.

Theo chuyên gia Koopman, các khó khăn của nền kinh tế Đức thực chất phản ánh một vấn đề sâu xa hơn: nhu cầu nội địa yếu kém kéo dài. Đức phụ thuộc vào sức mua, đầu tư và chi tiêu quốc phòng của các nước khác để duy trì nền kinh tế trong nhiều thập kỷ qua.

Ông cho rằng để giải quyết triệt để vấn đề, Đức cần một gói đầu tư lớn của chính phủ vào năng lượng, quốc phòng, giáo dục, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Chỉ cắt giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hay giảm chi phí sẽ không đủ. Nếu không nhanh chóng thay đổi, nước Đức có nguy cơ tụt lại trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Việt Hà (Theo Business Insider)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nga, Trung Quốc và 'phanh nợ' đang khiến nền kinh tế Đức trì trệ khi cử tri đi bỏ phiếu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO