Nga và phương Tây trong 'bài toán Ukraine'
(CLO) Cuộc xung đột tại Ukraine đang kéo các cường quốc lớn “trở lại sàn đấu” địa chính trị với những bước đi quyết liệt và mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên. Sự tái định vị vai trò của Berlin, quyết tâm từ Washington và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Moscow mở ra một giai đoạn đối đầu căng thẳng và đầy bất ổn.
Xu hướng leo thang căng thẳng
Nếu như thời gian gần đây, một số dấu hiệu cho thấy phương Tây có thể cởi mở hơn với khả năng đàm phán ngoại giao, thì hiện nay, xu hướng đối đầu dường như lại chiếm ưu thế.
Nga cáo buộc chính quyền Kiev làm gián đoạn tiến trình đàm phán, trong khi các quốc gia bảo trợ tại châu Âu vẫn giữ lập trường cứng rắn, ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho đến khi đạt được kết quả rõ ràng trên chiến trường.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump một lần nữa tỏ dấu hiệu nghiêng về lập trường đối đầu, dưới áp lực từ các chính trị gia có quan điểm chống Nga mạnh mẽ tại Washington.

Mặc dù khả năng chấm dứt các hành động quân sự vẫn còn bỏ ngỏ, thực tế hiện tại cho thấy phương Tây đang đặt cược vào một nỗ lực mới nhằm làm suy yếu chiến lược của Nga.
Một số ý kiến cho rằng, sáng kiến của Tổng thống Donald Trump có thể mở ra hướng tiếp cận hòa giải, nhưng vẫn tồn tại hoài nghi về tính hiệu quả và thực tế của các đề xuất này. Đồng thời, vai trò “người hòa giải” của Mỹ bị đặt dấu hỏi khi Washington vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine và duy trì sự ủng hộ chính trị đối với Kiev.
Điểm đáng chú ý là vai trò lãnh đạo trong liên minh phương Tây dường như đang dần chuyển từ Washington sang Berlin. Thủ tướng Đức Friedrich Merz đang nổi lên như một nhân vật trung tâm, thay thế hình ảnh cứng rắn trước đây của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson hay những động thái độc lập gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Merz đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp mới nhằm duy trì hỗ trợ cho Ukraine, đồng thời tránh gây chia rẽ nội bộ EU hoặc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất mới đây từ Berlin là Đức sẽ đóng vai trò trung gian trong việc vận chuyển vũ khí Mỹ tới Ukraine, nhằm làm giảm sự nhạy cảm chính trị tại Washington.
Sáng kiến này đang được thúc đẩy bởi “Liên minh những quốc gia sẵn sàng” - một liên minh linh hoạt trong lòng EU, vốn đang tìm cách vượt qua các rào cản thể chế để tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp những khó khăn ngày càng lớn về chính trị và tài chính.
Nguy cơ leo thang toàn diện?
Một trong những diễn biến đáng chú ý hiện nay là sự mâu thuẫn ngày càng rõ rệt trong thái độ của giới lãnh đạo châu Âu đối với Nga. Một mặt, ngay cả những nhân vật có lập trường đối đầu rõ rệt với Moscow, như Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel, bắt đầu kêu gọi nối lại đối thoại. Gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng đưa ra những phát ngôn cứng rắn về khả năng can thiệp quân sự, lại điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, mặt khác, những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng với Nga thường bị phá vỡ bởi phản ứng quyết liệt từ các quốc gia Baltic và được tiếp sức bởi một số lãnh đạo tại Bắc Âu. Kết quả là các chính sách leo thang đối đầu tiếp tục được thông qua, bất chấp rủi ro ngày càng cao.

Giới quan sát cho rằng, tổ hợp công nghiệp-quân sự của châu Âu đang có dấu hiệu chuẩn bị cho một kịch bản xung đột trực tiếp với Nga. Ngân sách quốc phòng được mở rộng, cơ sở hạ tầng quân sự được củng cố và các kế hoạch hành động được triển khai, phản ánh tâm thế chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể kéo dài.
Tuy nhiên, điều này đặt ra một nghịch lý: trong khi chiến lược này có vẻ dựa trên logic của thế kỷ XX, thì ngày nay, những yếu tố răn đe chiến lược, bao gồm năng lực quân sự và công nghệ của Nga, khiến một cuộc đối đầu toàn diện trở nên vô cùng nguy hiểm.
Về mặt chính trị, kinh tế, phần lớn châu Âu dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng định hướng trong quan hệ với Nga. Khả năng quay lại trạng thái hợp tác mang tính xây dựng như giai đoạn trước xung đột, đặc biệt trong các lĩnh vực nhân đạo và thương mại, ngày càng xa vời. Chủ nghĩa “bài Nga” ngày càng trở nên phổ biến, khiến các kênh đối thoại bị thu hẹp, ngay cả với các đối tác từng duy trì quan hệ ổn định với Moscow.
Dẫu vậy, cần thừa nhận rằng trong dài hạn, châu Âu và Nga sẽ không thể tránh khỏi việc tái thiết lập các mối quan hệ, ít nhất là với những thành phần sẵn sàng lắng nghe lý trí và ưu tiên lợi ích ổn định khu vực, cũng như những lợi ích ràng buộc của cả hai. Cơ hội đó vẫn tồn tại, có thể sau một giai đoạn chuyển giao thế hệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay dễ hiểu khi Moscow luôn chuẩn bị những phương án đối phó khác nhau, thậm chí cho kịch bản xấu hơn. Nếu Thủ tướng Đức Friedrich Merz và “liên minh các quốc gia sẵn sàng” thực sự đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, như các động thái hiện nay cho thấy, thì Nga phải sẵn sàng đối phó ở cả cấp độ thông thường lẫn phi truyền thống. Điều này không chỉ dừng ở các biện pháp quân sự, mà còn bao gồm các phản ứng hỗn hợp nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực gây bất ổn nội bộ.
Các bên ủng hộ Kiev được cho là tiếp tục gây sức ép lên Nga, nhưng phản ứng của Moscow cũng bao gồm các hành động tương xứng; hệ quả là những hậu quả dài hạn cho cả hai bên. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào những động thái nhằm xuống thang căng thẳng của các bên thời gian tới; thực chất, xây dựng tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột tại Ukraine, kiến tạo hòa bình ổn định, lâu dài cho khu vực và thế giới.