Ngăn chặn "lách điểm chuẩn", Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm
(CLO) Phổ điểm các tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm học tập THPT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đối sánh và công bố, làm căn cứ cho các trường xây dựng ngưỡng đầu vào phù hợp.
Để bảo đảm công bằng trong tuyển sinh năm 2025, Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn chi tiết, yêu cầu các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non thực hiện nghiêm túc việc quy đổi điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển và các phương thức tuyển sinh khác nhau.







.png)


1. Với tổ hợp xét từ điểm thi THPT:
Các trường cần căn cứ vào phổ điểm đã hiệu chỉnh và bách phân vị các tổ hợp xét tuyển truyền thống; môn chính của từng ngành/nhóm ngành; đặc thù đào tạo và dữ liệu tuyển sinh những năm trước.
Từ đó, cơ sở đào tạo tự chủ xây dựng và công bố bảng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, đảm bảo minh bạch và đúng kế hoạch tuyển sinh.
2. Với kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, tư duy...):
Việc quy đổi điểm phải dựa trên tổ hợp gốc có hệ số tương quan cao nhất giữa hai kỳ thi. Bộ GD&ĐT yêu cầu không được nội suy điểm bằng quan hệ “bắc cầu” giữa các tổ hợp phụ.

Ví dụ: Nếu ngành X có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 là 25/30 (tương ứng 75/120 ở kỳ thi riêng), thì không được dùng tổ hợp B00 có điểm chuẩn 24/30 để suy ngược sang kỳ thi riêng.
Các trường phải công bố rõ phương án quy đổi, chịu trách nhiệm giải thích và đảm bảo công bằng cho thí sinh.
3. Với phương thức xét học bạ:
Các trường cần căn cứ vào thống kê tương quan giữa điểm thi THPT và điểm trung bình môn học THPT năm 2025, để xây dựng bảng quy đổi ngưỡng đầu vào, phù hợp với từng chương trình đào tạo, ngành hoặc lĩnh vực cụ thể.
Các cơ sở đào tạo có tổ chức kỳ thi độc lập theo bài thi tổng hợp cần xác định rõ tổ hợp môn THPT phù hợp nhất với bài thi riêng để làm tổ hợp gốc; khuyến cáo các trường khác có thể sử dụng tổ hợp tương đương; hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn chi tiết việc quy đổi điểm cho các đơn vị có nhu cầu.

Động thái này của Bộ GD&ĐT được đánh giá là bước đi cần thiết để chuẩn hóa quy trình xét tuyển trong bối cảnh ngày càng đa dạng về phương thức tuyển sinh.
Việc yêu cầu các trường xác định và công bố tổ hợp gốc, không cho phép “lách điểm” bằng cách nội suy giữa các tổ hợp không tương quan, sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế tình trạng điểm cao vẫn rớt, điểm thấp lại trúng tuyển nhờ “chênh tổ hợp”.
Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học – cao đẳng, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trên cả nước.