Ngân hàng đất nông nghiệp chỉ là đầu mối chứ không đi "thuê lại" đất của người dân
(CLO) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, ngân hàng đất nông nghiệp chỉ là tổ chức, đơn vị của cơ quan Nhà nước đứng ra làm đầu mối để người dân có ruộng, người có ít, người có nhiều thì đăng ký với tổ chức này, chứ không đi "thuê lại" đất của người dân.
Sáng nay (3/11), tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham gia góp ý liên quan đến Dự thảo luật về các nội dung quy định về đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình quan tâm đến việc chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại điều 130 của dự thảo luật.
Cụ thể, điều 130 của Dự thảo luật quy định: Chuyển mục đích từ đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sang loại đất nông nghiệp khác và chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.
"Đối với quy định này, tôi thấy Ban soạn thảo mới đang có dự liệu về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác. Còn những trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp khác sang đất trồng lúa hoặc đất phi nông nghiệp sang đất nông nghiệp mà nhất thiết không phải là đất trồng lúa thì có phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không? Hay người sử dụng đất tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau đó đến đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện?", bà Thanh nêu vấn đề và đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung vào Dự thảo luật đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề "Ngân hàng đất nông nghiệp" quy định tại điều 124. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, Dự thảo luật lần này tại Chương VIII có quy định về phát triển quỹ đất và được quy định từ Điều 118 đến Điều 124. "Nội dung Chương VIII này có một vấn đề đáng chú ý đó là Dự thảo luật bổ sung Điều 124 là quy định về ngân hàng đất nông nghiệp. Đây là mô hình mới, được thể chế hoá quan điểm để tập trung và tích tụ ruộng đất để đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp", bà Thanh nêu.
Đại biểu đoàn Ninh Bình cho biết, hiện nay, một số tỉnh ở miền Bắc việc tập trung, tích tụ ruộng đất chưa có hiệu quả, đất nông nghiệp còn manh mún. Do còn manh mún và phân tán nên chưa áp dụng được công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào trong những diện tích đất như vậy. Từ đó, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, bởi vậy rất nhiều người nông dân bỏ hoang đất.
"Về mặt chủ quan người nông dân bỏ hoang đất thì hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp không có và người ta cũng không chuyển nhượng diện tích đất này, vẫn giữ như một cuốn sổ bảo hiểm cho mình", bà Thanh nói.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, về quy định của pháp luật thì Luật đất đai 2013 quy định không cho phép các tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân.
Bà Thanh cho rằng, lý do nêu trên dẫn đến mâu thuẫn là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân bị bỏ hoang, sử dụng tài nguyên lãng phí, kém hiệu quả. Trong khi các tổ chức kinh tế nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng có năng lực nhưng cũng không thể tiếp cận để thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp.
"Do vậy, việc ra đời mô hình ngân hàng đất nông nghiệp là giải pháp hết sức quan trọng, hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn như đã nêu", bà Thanh nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, khi nghiên cứu điều 124, đại biểu đồng tình về quy định vị trí, chức năng của ngân hàng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tại Khoản 1 Điều 124 thì có quy định ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
"Cá nhân tôi thấy điều khoản này chưa đề cập cụ thể ngân hàng đất nông nghiệp có sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng không? Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập ngân hàng đất nông nghiệp? Hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước hay chịu sự quản lý Nhà nước của bộ ngành nào? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có sự bổ sung nội dung này để thấy rõ hơn, quy định cụ thể hơn về hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp", đại biểu đoàn Ninh Bình nêu và đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ.
Cũng luên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho biết, ngân hàng đất nông nghiệp, khi xây dựng Dự thảo luật cũng tìm hiểu ở các quốc gia phát triển, nhưng đại biểu thấy rằng quy định cũng còn mơ hồ, sau này sẽ triển khai như thế nào?
"Theo quy định đây là đơn vị phi lợi nhuận nếu gom đất lại mà không dùng được, không cho thuê được, không ai thuê rồi để hoang hoá gây lãng phí thì cần nghiên cứu kỹ thêm", ông Phương nêu và nhấn mạnh cần phải nghiên cứu tính khả thi trong vòng 5 hay 10 năm tới không? Nếu khả thi thì đưa vào luật, không khả thi thì có thể cân nhắc thêm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, ngân hàng đất nông nghiệp thực ra là một đơn vị hình thành mang dáng dấp của một doanh nghiệp.
Theo bà Hoa, vì mới nên chưa hình dung được hết nhưng đây chỉ là tổ chức, đơn vị của cơ quan Nhà nước đứng ra làm đầu mối để người dân có ruộng, người có ít, người có nhiều thì đăng ký với tổ chức này.
"Tôi có từng đó ruộng và muốn được cho thuê, muốn được chuyển quyền, muốn được chuyển nhượng. Đưa lên đó và người dân vào đấy tin là tin ở chỗ Nhà nước, đưa lên đó yên tâm là đã thực rồi và người ta vào đó có thể thuê", bà Hoa nêu rõ và nhấn mạnh, đây chỉ là cơ quan đầu mối chứ không đứng ra đi thuê lại của dân, ý tưởng là như vậy.