Các dịch vụ ngân hàng hiện đại gắn liền với thẻ, internet banking… (Ảnh TL)
Theo thông tin từ Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng năm 2018 ước khoảng 14-15%, thấp hơn nhiều so với 3 năm trước đó. Nhiều khả năng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14 - 15%. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng có xu hướng sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ bán lẻ để bù đắp nguồn thu từ tín dụng.
Cụ thể, nhiều ngân hàng đang chuyển sang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2019. Trong định hướng chiến lược, nhiều nhà băng đều đặt ra mục tiêu phát triển mạnh mảng bán lẻ trong thời gian tới. Các dịch vụ chủ yếu của ngân hàng bán lẻ là tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ…
Các dịch vụ ngân hàng hiện đại gắn liền với thẻ, internet banking… đáp ứng được nhu cầu tiết giảm thời gian giao dịch, chi phí và độ bảo mật. Từ đó, khách hàng đã có thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, tạo điều kiện cạnh tranh tích cực và động lực cho các ngân hàng đổi mới sản phẩm, dịch vụ.
Ngành ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho hay, thị trường ngân hàng bán lẻ giai đoạn 2008 – 2018 có những bước phát triển nhanh và vượt bậc về chuyên môn, số lượng, chất lượng… với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, khác biệt; trong đó, quy mô thị trường thành phố lớn nhất cả nước, có 2.212 điểm giao dịch, 49 hội sở chính… mạng lưới giao dịch phủ dày đặc, mang lại điều kiện cung ứng nguồn vốn cho nên kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường ngân hàng bán lẻ thành phố trong giai đoạn 2008 - 2018 có tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng bình quân hàng năm tăng trưởng lần lượt là 25% và 24%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Nhận xét về hoạt động bán lẻ của các ngân hàng, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, hoạt động ngân hàng bán lẻ ngày càng cạnh tranh quyết liệt và các ngân hàng xem đây là chiến lược phát triển với những bước đi đột phá. Các ngân hàng liên tục đưa ra những sản phẩm, dịch vụ bán lẻ hướng đến khách hàng nhỏ và cá biệt. Đồng thời, phát triển ngân hàng số - ngân hàng thương mại điện tử… phù hợp từng phân khúc khách hàng nhỏ càng trở nên nổi bật.
Sự kết hợp giữa các ngân hàng và tổ chức bán lẻ về cơ bản đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhưng, kèm theo đó cũng có nhiều vấn đề cần bàn tới, nhất là về vấn đề công nghệ như các hoạt động khai thác và xử lý dữ liệu; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; phân tích và quản trị rủi ro...
Nhiều năm trở lại đây, ngân hàng bán lẻ cũng như ngành tài chính tiêu dùng đều là những phân khúc hoạt động hiệu quả. Song giới chuyên gia lưu ý, việc phát triển hai ngành này có sự khác nhau. Phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam được tiếp tục đẩy mạnh trên nền tảng truyền thống mà các ngân hàng trước đây đã thiết lập. Còn tín dụng tiêu dùng có đặc thù riêng về sản phẩm, hướng tới cho vay các khoản nhỏ lẻ, vay tín chấp. Như vậy, các nhà băng cần phải cân nhắc khi bước chân vào lĩnh vực này.
Nguyễn Mạnh