(CLO) Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến hết tháng 9 sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% - sớm hơn so với mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao là vào cuối năm nay. Theo đó, thời gian qua nhiều ngân hàng gần như dồn toàn lực để tập trung xử lý nợ xấu.
Tăng cường thu hồi nợ, mạnh tay trích lập dự phòng, đồng thời đẩy mạnh bán nợ cho VAMC, đã giúp nợ xấu của các ngân hàng giảm mạnh và khả năng về dưới 3% vào cuối tháng 9 này.
Như tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015, nhà băng này đã xem việc thu hồi nợ khó đòi như một trong những chỉ tiêu quan trọng để giảm nợ xấu và tăng lợi nhuận. Năm ngoái, ngân hàng đã thu hồi được hơn 2.600 tỷ đồng nợ xấu, nợ thu ngoại bảng và được ghi vào thu nhập cũng gần 1.800 tỷ đồng, đóng góp 31% tổng lợi nhuận cuối năm.
[caption id="attachment_43782" align="aligncenter" width="500"]
Nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% theo đúng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.[/caption]
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, ngân hàng này đã tập trung nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu như tăng cường thu hồi nợ, bán các tài sản đảm bảo thông qua công tác tòa án, mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Đến cuối tháng 8 năm nay, nợ xấu của ngân hàng này chỉ còn dưới 1,5%.
Lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông OCB cho biết, trong năm 2014, ngân hàng ông đã xử lý được 1.400 tỷ đồng nợ xấu và trong 6 tháng đầu năm nay, OCB cũng thu được 651 tỷ đồng nợ. "Đến thời điểm này, nợ xấu tại ngân hàng đã ở mức dưới 3%. Từ nay đến cuối năm, nếu các khoản nợ thu hồi tốt thì nợ xấu khả năng xuống dưới 1%".
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, đến giữa tháng 8 này, các ngân hàng trên địa bàn đã tự xử lý được 3.100 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao. Riêng con số bán nợ cho VAMC, thì đến giữa tháng 8, các nhà băng cũng bán được trên 15.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu 22.200 tỷ đồng.
Chuyển nợ xấu qua Công ty mua bán nợ quốc gia được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp làm đẹp bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Giới chuyên gia cũng nhìn nhận VAMC là một công cụ tốt để giúp ngành ngân hàng đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3%. Tuy nhiên, các ý kiến lại cho rằng, người đứng đầu ngành ngân hàng cần làm rõ, tỷ lệ nợ xấu 3% là trên toàn nền kinh tế (gồm cả số nằm tại VAMC) hay chỉ riêng trong các nhà băng.
Theo các chuyên gia là nợ bán cho VAMC không có nghĩa là các ngân hàng coi như hết trách nhiệm. Vì dù bán nợ cho công ty này và tạm thời con số nợ xấu đã ra khỏi sổ sách nhưng qua theo dõi kiểm soát nội bộ, ngân hàng vẫn coi đó là khoản nợ xấu. Đó là chưa kể việc phát sinh chi phí do phải trích lập 20% dự phòng trên số nợ bán cho VAMC.
"Muốn nợ xấu của các ngân hàng giảm, cách nhanh nhất là bán cho VAMC nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính số học và trên giấy tờ. Còn nếu muốn giải quyết rốt ráo cần dọn dẹp nợ xấu ở cả các ngân hàng lẫn số mới được bán cho VAMC". Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích. Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, theo ông, bản thân các nhà băng phải chủ động hơn nữa thay vì trông chờ vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh thì nhận định, công tác xử lý nợ xấu hiện nay tiếp tục khả quan nên mục tiêu đến cuối tháng 9, nợ xấu trên địa bàn thành phố sẽ được đưa về dưới 3% theo đúng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.
Thanh Tân